Vitamin E đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất ở gia cầm. Chính vì thế, khi thiếu vitamin E, vật nuôi sẽ rất dễ mắc phải một số bệnh lý nghiêm trọng. Bệnh thậm chí còn có thể nặng hơn nếu cơ thể của chúng đồng thời thiếu cả Selen và dư thừa các chất béo bị oxy hóa. Khi bị thiếu hụt vitamin này, dấu hiệu đầu tiên dễ nhận biết nhất chính là gia cầm xù lông, rã cánh, giảm cân nhưng lại phù nề. Bệnh có tỷ lệ chết không quá cao (từ 5-20%) nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất chăn nuôi của bà con.
Đáng lưu ý, bất cứ loại gia cầm nào cũng có thể mắc phải căn bệnh do thiếu vitamin E gây ra. Tuy nhiên, loại gia cầm dễ mẫn cảm với hiện tượng này nhất chính là gà. Vì vậy, bà con khi chăn nuôi nên chú ý để sớm phát hiện ra các dấu hiệu. Từ đó, người nông dân có phương pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh ở gia cầm
Nguyên nhân chính gây nên bệnh là do thiếu vitamin E. Bệnh sẽ nặng hơn nếu trong thức ăn cũng thiếu Selen hoặc dư thừa các sản phẩm do oxy hóa chất béo và dầu thực vật. Điều này dễ dàng xảy ra khi trong thức ăn người ta dùng nhiều dầu thực vật để tăng hàm lượng đạm cho thức ăn hỗn hợp. Hoặc lý do khác là quá trình xử lý nhiệt cho bột cá, bột xương không đúng kỹ thuật, làm phá hủy chất dinh dưỡng của bột cá, bột xương… Việc bảo quản không tốt thức ăn cũng là nguyên nhân thúc đẩy quá trình oxy hóa các chất béo. Từ đó, quá trình sẽ làm triệt tiêu vitamin E.
Những loại gia cầm nào có thể mắc bệnh
Tất cả các loài gia cầm đều có thể mắc bệnh. Mẫn cảm nhất là ở các giống gà. Đặc biệt là gà trống. Tuổi gia cầm mắc bệnh xảy ra chủ yếu ở giai đoạn từ 2-8 tuần tuổi. Bệnh có các biểu hiện điển hình như phù nề, tích nước dưới da cánh, da ngực, da bụng và đôi khi ở chân và đầu. Thông thường bệnh do thiếu vitamin E là nguyên phát. Song trong nhiều trường hợp bệnh sẽ nặng nề hơn nếu cùng một lúc thiếu Selen và tăng andehyd và dioxit.
Dấu hiệu gia cầm thiếu vitamin E
Bệnh luôn ở thể cấp tính, bắt đầu từ việc giảm ăn, lờ đờ, xù lông, sã cánh. Sau đó, gà đi lại khó khăn, gầy sút nhanh chóng. Tuy nhiên, cơ thể lại xuất hiện phù nề. Gà tích nước dưới da cánh, vùng ngực, vùng bụng. Đôi khi thấy cả ở chân, vùng đầu thậm chí cả vùng lưng. Khi sờ nắn các vùng phù nề thấy không nóng, không đau, có độ mềm căng và di động. Tất cả các gà có bệnh chứng này đều chết. Tỷ lệ chết dao động từ 5-20% phụ thuộc vào mức độ thiếu vitamin E và Selen.
Khi rạch ổ phù nề, bà con sẽ thấy một chất lỏng keo đặc màu xanh xám, hoặc vàng sánh, hoặc màu hồng chảy ra. Khoang bụng chứa nhiều dịch thẩm xuất màu vàng xanh hoặc vàng đỏ. Gan sưng to và bị thoái hóa. Có thể chẩn đoán bệnh thông qua các triệu chứng và bệnh tích mổ khám đặc trưng. Tuy nhiên cũng cần phải tiến hành các xét nghiệm máu và phân tích thức ăn.
Điều trị bệnh lý do thiếu vitamin E ở gia cầm
Thay thức ăn có chất lượng tốt. Thức ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Nhất là đủ vitamin E và Selen. Thức ăn không mốc, không ẩm. Đồng thời, khẩn trương bổ sung Vitamin E bằng 2 cách.
- Một là dùng 20g Embrio Stimulan pha nước uống hoặc trộn thức ăn cho 100kg gà ăn hoặc uống trong ngày. Dùng liên tục 10- 15 ngày. Nếu bệnh nặng có thể dùng gấp đôi liều và kéo dài thêm thời gian sử dụng.
- Hai là dùng AD3E Thái, tiêm bắp cho mỗi gà 0,3ml/con/lần/ ngày. Tiêm 2-3 ngày là khỏi.
Phòng ngừa hiện tượng thiếu vitamin E ở vật nuôi
- Cần phải cân đối lại thành phần chất, khẩu phần thức ăn sao cho đủ Vitamin E và Selen. Hạn chế dùng khô dầu, dầu thực vật để chế biến thức ăn.
- Phải làm đúng các yêu cầu trong việc bảo quản và lưu thông thức ăn.
- Nên bổ sung Sobrion thức ăn vào các đợt 7-9, 16-20, 26-30, 36-40 ngày tuổi sẽ phòng tránh được bệnh.