Trứng là một trong những loại thực phẩm vô cùng quên thuộc đối với bữa ăn của nhiều gia đình. Bởi vì mang đến nhiều nguồn dinh dưỡng nên trứng được vô số những bà nội trợ lựa chọn. Ở Việt Nam, có nhiều loại trứng, mỗi loại sẽ phù hợp với một số món ăn khác nhau. Ngoài trứng gà, trứng vịt, có một loại trứng đã vô cùng quen thuộc với chúng ta, đó chính là trứng cút. Mô hình chăn nuôi cút ở nước ta đã vô cùng rộng rãi, các kỹ thuật nuôi cút cũng được nhiều người chia sẻ. Mà cút lại là một loại gia cầm dễ nuôi, cho giá trị kinh tế cao, nhưng vốn đầu tư lại ít. Thế nên nuôi cút đã dần trở thành sự lựa chọn của các gia đình không có nguồn vốn dồi dào.
Lợi ích kinh tế của việc nuôi chim cút
Việc nuôi chim cút thương mại ở Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng. Vì chim cút là một loại chim khá dễ nuôi, chi phí đầu tư nuôi cút tương đối ít tiền hơn so với nuôi các loại gia cầm khác. Thịt cút rất thơm và ngon giàu dinh dưỡng, bên cạnh đó trứng cút được cho là bổ dưỡng hơn cả trứng gà và trứng vịt. Vì thế nhu cầu chim cút ở nước ta rất nhiều.
- Nuôi cút đòi hỏi ít diện tích sàn hơn so với các loài gia cầm khác
- Nuôi chim cút đòi hỏi vốn đầu tư thiết lập ban đầu thấp và duy trì hằng tháng cũng thấp
- Nhanh có doanh thu, chim cút có thể bán được sau 5 tuần nuôi
- Chim cút bắt đầu đẻ trứng trong khoảng 6 đến 7 tuần tuổi, bạn có thể có nguồn thu từ trứng cút
- Chim cút đẻ khoảng 300 trứng / năm, đây được coi là tỷ lệ đẻ trứng rất cao
- Trứng cút chứa ít cholesterol hơn và thịt cút ngon và tốt cho sức khỏe hơn thịt gà hay vịt
- Trứng và thịt chim cút thúc đẩy các chức năng của cơ thể và não ở trẻ em
- Trứng cút là món ăn bổ dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú
- Thịt chim cút ít chất béo nên thịt chim cút rất tốt cho người bệnh huyết áp.
Phương pháp chọn giống chim cút
Dựa vào nhu cầu thị trường có thể chia ra thành hai loại. Đó là cút lấy thịt hoặc lấy trứng. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường các giống cút đều cho năng suất cao cả thịt và trứng. Vì thế khi chọn mua cút giống bạn chỉ cần chọn địa chỉ uy tín và kiểm tra kỹ thể trạng của cút giống.
Chim cút đực thì cần khỏe mạnh, lông mượt và nhanh nhẹn. Chim trống có thân hình gọn và nhỏ hơn chim cái. Đầu khá nhỏ, mỏ thì ngắn nhưng cổ khá dài. Tiếp đó là ngực nở nang. Chim cút mái thì đầu thanh hơn và cổ nhỏ, lông và da đều bóng mượt. Ở ngực có nhúm lông đen. Xương chậu nở và hậu môn cũng nở, mềm mại và đỏ hồng.
Hướng dẫn phương pháp nuôi chim cút
Nhiệt độ và ánh sáng cho chuồng chim
- Nhiệt độ thích hợp của việc nuôi chim cút là 21 đến 32 độ C. Nếu điều kiện quá nóng hay quá lạnh thì chim sẽ chậm phát triển và dễ mắc bệnh.
- Loài cút có thể dễ dàng thích nghi với môi trường có độ ẩm tương đối từ 40-70%. Tuy nhiên, độ ẩm thích hợp để cút phát triển tốt nhất là 55-60%.
- Sản lượng trứng của chim cút rất phụ thuộc vào ánh sáng. Do đó, để cút có năng suất đẻ trứng tốt nhất bạn nên đảm bảo lượng ánh sáng phù hợp. Đảm đủ 13 giờ chiếu sáng khi cút được 7 tuần tuổi. Và có 16 giờ chiếu sáng hàng ngày kể từ khi chim cút được 9 tuần tuổi.
Cách làm chuồng cho chim cút
Chuồng nuôi chim cút đúng tiêu chuẩn phải đáp ứng được các nhu cầu sinh lý của chim cũng như đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường. Chuồng phải thoáng mát, thông gió tốt để không khí sạch được lưu thông. Chuồng chim cút cần được thiết kế sao cho dễ dọn rửa chuồng, máng ăn máng uống được thay và cọ rửa thường xuyên…Có hai loại chuồng khi nuôi cút đó là chuồng nuôi cút thịt và nuôi cút sinh sản
Chuồng cho chim cút lấy thịt
Kỹ thuật làm chuồng nuôi chim cút để lấy thịt khá đơn giản so với nuôi chim cút sinh sản. Dưới đây là các kỹ thuật quan trọng bà con cần tuân theo khi thiết kế và xây dựng chuồng.
- Kích thước chuồng: Diện tích chuồng nên là 1×0.5x2m và được làm làm bằng khung thép hoặc gỗ và lưới vuông 1x1cm. Kích thước lưới như này để chim vừa dễ di chuyển lại tiện đi vệ sinh hơn. Mỗi chuồng với kích thước như vậy có thể nuôi được 20 đến 25 con.
- Nóc chuồng lót vật liệu mềm để khi chim cút giật mình nhảy lên cao thì không bị tổn thương phần đầu.
- Máng ăn, máng uống của chim có dạng dài khoảng 0.5m, kích thước 5x5cm và làm từ vật liệu dẻo như nhựa để tránh gây tổn thương cho chim, lại vừa dễ chùi rửa.
Chuồng cho chim cút lấy trứng
- Những chú chim cút trên 25 ngày tuổi, có khả năng sinh sản và đạt tiêu chuẩn nuôi lấy trứng thì sẽ được chuyển sang lồng cút đẻ. Kích thước của loại chuồng này khoảng 1×1.5×0.5m, mật độ 25 – 30 con mái/chuồng, có vật liệu và cấu tạo tương tự như lồng nuôi chim cút thịt.
- Tuy nhiên có một điểm khác biệt chính là nền chuồng được xây nghiêng với độ dốc khoảng 3 – 5 để trứng lăn ra máng hứng nhẹ nhàng, dễ dàng thu hoạch trứng mà không bị vỡ.
- Ngoài máng ăn và máng uống, lồng cút đẻ còn được trang bị thêm máng hứng trứng thường đặt ở phần chân dốc của đáy chuồng. Máng hứng trứng có kích thước 5×1.5x3cm, được lót thêm vải để hạn chế tối đa trứng bị nứt vỡ khi lăn xuống máng.
Thức ăn nuôi chim cút
- Thức ăn là một phần rất quan trọng khi nuôi chim cút. Thức ăn cho cút cần phải cân đối đầy đủ dinh dưỡng đảm bảo cút phát triển và tăng trọng cơ thể tốt. Đặc biệt là đạm, các chất khoáng và tinh bột.
- Bên cạnh cho ăn thức ăn dạng viên tổng hợp bạn cần thường xuyên cho cút ăn các loại ngũ cốc thô như lúa, ngô, cám gạo…
- Một con chim cút trưởng thành 6 tuần tuổi tiêu thụ khoảng 25 đến 30 gam thức ăn / ngày.
- Chim cút đòi hỏi khoảng 450 gram thức ăn để đẻ 12 quả trứng.
- Bạn nên cho chim ăn tự do cả ngày lẫn đêm. Nếu khi cút đẻ thì phải thu gom trứng ngay để tránh trứng bị vỡ.
Chế độ nước uống cho chim cút
Ngoài ra bạn phải đảm bảo lượng nước cho chim đủ từ 50 đến 100ml mỗi ngày. Nước phải sạch và mát để chim có thể tùy ý uống. Mỗi con cần đảm bảo từ 50 đến 100ml nước sạch mỗi ngày. Nước phải sạch, không được lẫn phân hay chất độc hại. Ngoài ra bạn có thể pha thêm vitamin vào nước cho chim uống để tăng cường sức khỏe.
Phương pháp phòng bệnh cho chim cút
Nhìn chung, dịch bệnh ở chim cút ít hơn so với các loài gia cầm khác. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan và cần có biện pháp phòng ngừa để đảm bảo đàn cút phát triển và mang lợi nhuận tốt nhất.
Một số loại bệnh thường gặp khi nuôi chim cút như: bệnh newcastle, viêm loét ruột, bệnh cầu trùng, ngộ độc thức ăn, sưng mắt, bại liệt, suy dinh dưỡng. Dưới đây là một số biện pháp phòng trừ bạn có thể tham khảo.
- Tiêm vắc xin định kỳ cho cả đàn từ khi chúng còn rất nhỏ và tiêm nhắc lại trước khi chúng vào đẻ để ngừa bệnh.
- Thức ăn cần tươi, sạch không được mốc hay có mùi lạ. Trong môi trường ẩm ướt nhiệt độ cao thì thức ăn phải đảm bảo để chim không bị ngộ độc.
- Bổ sung vitamin A để tránh sưng mắt
- Thêm canxi và photpho để tránh bị bại liệt.
- Trong quá trình chim đẻ trứng thì cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tránh tình trạng chim bị suy dinh dưỡng, chim đẻ không đều và trứng đẻ ra bị dị dạng.
Tổng kết
Trứng cút và thịt chim cút là loại thực phẩm bổ dưỡng rất được người Việt Nam ưa chuộng. Từ nhu cầu cao của người tiêu dùng, mô hình nuôi chim cút sinh sản đã và đang được nhân rộng trên toàn quốc, giúp nhiều gia đình cải thiện đời sống kinh tế và vươn lên làm giàu. Trên đây là một số thông tin cơ bản về kỹ thuật nuôi chim cút cho người mới bắt đầu. Hãy tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi vì một nền nông nghiệp xanh sạch nhé!