Khoai môn hay còn gọi là khoai sọ là một trong những loại củ rất phổ biến đối với người dân Việt Nam. Nhiều vùng quê ở nước ta, bà con nông dân trồng loại khoai môn mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Vậy khi trồng khoai môn bà con cần lưu ý những kỹ thuật gì để mang lại hiệu quả cao nhất. Hãy cùng chúng tôi học cách trồng khoai môn chuẩn nhà vườn để nắm rõ quy trình trồng, cách chăm sóc khoai môn qua nội dung bài viết sau đây.
Khoai môn – Giống khoai có giá trị kinh tế cao
Khoai môn thường cho củ cái to từ 1,5 đến trên 2 kg, ít củ con; chất lượng tốt, ăn ngon, bở, nhiều tinh bột. Khoai môn dùng ăn tươi, chế biến thực phẩm. Đặc biệt có thể xuất khẩu củ tươi và dùng làm nguyên liệu cho chế biến công nghiệp rất có giá trị như khoai chiên, bột dinh dưỡng trẻ em…
Có nhiều giống khoai môn nổi tiếng như khoai ruột đỏ, ruột tím ở Bắc Kạn; khoai sáp ruột vàng ở Lục Yên (Yên Bái); khoai sọ núi Lai Châu, Hòa Bình; khoai Chũ (Bắc Giang) v.v…
Những kỹ thuật trồng khoai môn năng suất cao
Lưu ý khi chọn giống khoai
Khoai môn có nhiều giống, chủ yếu được phân làm 2 nhóm chính: Nhóm khoai sọ (Colocasia antiquorum) và nhóm khoai môn (Cocasia esculenta). Trước khi trồng 1 tháng nên chọn những củ nhánh nhỏ, đều nhau đem giâm trong cát ẩm nơi góc nhà ít ánh sáng cho mọc mầm; rồi đem trồng thì tỷ lệ sống mới cao.
Ở miền Bắc khoai môn chủ yếu được trồng ở các tỉnh miền núi và trung du; ít trồng ở vùng đồng bằng đất thấp bị ngập nước vì dễ sượng và ngứa. Giống khoai sọ núi củ to, nhiều tinh bột, ăn ngon được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình… Ngược lại các tỉnh phía Nam khoai môn được trồng nhiều ở vùng đất bãi, đồng bằng; để bán cho các cơ sở xuất khẩu. Tuy nhiên, các giống khoai môn miền núi vẫn có thể trồng được ở đồng bằng. Nhưng nên chọn các vùng đất cao, tơi xốp, dễ thoát nước và đặc biệt là lên luống cao như trồng khoai lang; mới không bị sượng và ngứa.
Thời vụ thích hợp để trồng khoai môn
Khoai môn là loại cây nhiệt đới nên có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên thích hợp và cho năng suất cao nhất ở vụ đông xuân. Với các tỉnh phía Nam nên xuống giống từ tháng 10-12; thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6 năm sau. Các tỉnh miền Bắc do nhiều giống có thời gian sinh trưởng dài hơn (thường từ 8-12 tháng) có 2 vụ trồng khoai môn: Vụ xuân trồng tháng 3-4; vụ thu trồng tháng 8-9.
Kỹ thuật chăm sóc khoai môn
Tưới nước cho khoai
Đối với những vùng đất chủ động được nguồn nước, sau khi trồng khoai môn, bạn nên tưới nước giữ ẩm; để cây có thể nảy mầm đồng đều. Giai đoạn cây khoai cần nước nhất là khi cây được 5 – 6 lá, lúc này nếu cây không được cung cấp nước tưới đầy đủ; thì sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất của khoai.
Bón phân cho khoai
Trong quá trình phát triển, cây khoai môn cần nhiều phân hữu cơ và phân đạm. Nhu cầu phân bón của cây khi trồng trên đất ngập nước cao hơn so với trồng trên cạn. Ngoài ra, cây cũng cần những chất dinh dưỡng khác như kali, phốt pho… Tùy tình trạng của cây mà bổ sung phân bón phù hợp:
- Nếu cây thiếu kali dễ làm giảm hàm lượng nước trong rễ và lá, khiến mép lá dễ bị vàng hoặc dễ chết rễ.
- Nếu thiếu phốt pho, cuống lá sẽ bị mềm, cây kém phát triển, củ sau thu hoạch dễ bị thối.
- Thiếu đạm, lá khoai môn không bóng, màu lá không tươi, sinh trưởng chậm và ảnh hưởng năng suất thu được.