Vào dịp Tết Nguyên đán, cây quất cảnh (tắc kiểng) được nhiều người lựa chọn để trưng bày. Để trồng được một cây quất thương phẩm dạng tầm trung (chiều cao cây 1m, đường kính tán 0,6m) thì cần thời gian là 3 năm kể từ thời gian chiết cành. Đất trồng thường là đất vườn, đất pha cát, sét và phải bảo đảm được độ thông thoáng và độ ẩm. Độ pH thích hợp nhất đối với đất trồng cây là từ 5 – 6. Cây quất thường được mọi người nhân giống bằng cách chiết cành và giâm cành. Rất ít người sử dụng phương pháp gieo hạt vì cây dễ bị biến dị, thời gian sinh trưởng của cây lâu, chậm ra trái.
Vài nét thông tin về cây quất
Quất (miền Nam gọi là tắc, một số vùng ở Tây Nam Bộ gọi là hạnh hay ” tứ quý”, tên khoa học: Citrus japonica ‘Japonica’, đồng nghĩa: Fortunella japonica); là một giống cây kim quất và hay được trồng nhất trong các giống kim quất. Quất là loài cây thường xanh, có thể làm cây trồng trong nhà.
Cây quất hay được trồng làm cây cảnh, thậm chí làm bonsai. Ở Trung Quốc và Việt Nam, cây quất ra trái hay được trưng bày vào dịp Tết vì người ta cho rằng quất là biểu tượng của may mắn. Đông y hay dùng quả quất như một vị thuốc chữa các chứng bệnh do lạnh gây ra như viêm họng, lạnh bụng, cảm, v.v…
Phương pháp và kỹ thuật chiết cây quất
Phương pháp chiết cây quất
- Chuẩn bị đất: Sử dụng đất pha cát, sét, độ pH trung bình từ 5-6, và bảo đảm độ ẩm, độ thông thoáng. Đất làm bầu nên trộn thêm 1 ít phân chuồng đã ủ hoai mục và xử lý mầm bệnh.
- Thời điểm chiết: Tháng 12 âm lịch để kịp trồng vào mùa xuân để cây phát triển tốt. Thời điểm này chiết sẽ cho cây vào 2 tháng sau để kịp trồng vào chậu hay vườn. Ngoài ra, chúng ta có thể chiết cành quất vào tháng 2 âm lịch và trồng vào tháng 4 âm lịch, trước mùa mưa.
- Chuẩn bị dụng cụ chiết: Dao sắc, kéo, cưa đã được khử trùng để tránh nhiễm bệnh cho cây mẹ, túi nilon, dây nilon, thuốc kích thích rễ tăng trưởng.
- Chọn cây chiết: Chọn cây quất đang phát triển, cành lá xanh tốt, không sâu bệnh, cây có tuổi từ 2-3 năm.
- Chọn cành chiết: Chọn cành quất có nhiều nhánh nhỏ, khỏe mạnh, không vàng lá, cành mọc vươn ra ánh sáng, không quá non cũng không quá già ảnh hưởng đến chất lượng con giống.
Chiết cây quất như thế nào cho đúng kỹ thuật?
- Bước 1: Chọn cành quất to khoẻ, không sâu bệnh và phát triển tốt. Dùng dao nhỏ và bén khoanh 2 vòng tròn trên nhánh song song cách nhau từ 4cm đến 10cm và bóc vỏ cây tại vị trí cần chiết. 2 vòng tròn này có thể cách nhau tùy theo đường kính của cành chiết…
- Bước 2: Dùng dao cạo sạch lớp vỏ bên ngoài, để lộ phần gỗ bên trong.
- Bước 3: Dùng thuốc kích thích sinh trưởng rể bôi vào phần vỏ phía trên vị trí đã bóc vỏ. Để cây ra rễ nhanh và đều.
- Bước 4: Lấy đất đã chuẩn bị, làm ẩm 70% (có thể vo viên lại và thả xuống đất không bể là được). Rồi bọc xung quanh vị trí cắt 1 lớp vừa đủ dày là được. Sau đó lấy bao nilon quấn lớp đất lại nhiều vòng. Lưu ý không bao đất quá mỏng sẽ dễ bị khô, khó ra rễ, không bọc đất quá dày.
- Bước 5: Sử dụng dây nilon cột chặt 2 đầu bao lại để cố định không cho đất dịch chuyển. Đem cây vô mát tránh ánh nắng trực tiếp buổi trưa. Tưới nước đều đặn cho cây mẹ.
Sau 2 tháng chiết cành, bộ rễ cây con trên nhánh chiết mới phát triển khá đầy đủ và khỏe mạnh. Lúc này, ta tiến hành dùng cưa cắt cành chiết để vô chậu hoặc đất vườn để chăm sóc. Lưu ý cần thực hiện nhẹ nhàng, không làm bể bầu đất.
Phương pháp và kỹ thuật giâm cây quất
Chuẩn bị giâm cành quất
- Thời điểm giâm cành quất thường vào mùa xuân là tốt nhất để cây con phát triển.
- Chuẩn bị đất: Sử dụng đất cát pha sét, trộn ít phân chuồng đã ủ hoai mục và xử lý mầm bệnh; cho 1 ít vôi ủ.
- Chuẩn bị dụng cụ: Dao bén, thuốc kích thích rễ, giá để giâm cành.
Các bước giâm cành quất kỹ thuật
- Bước 1: Chọn nhánh khỏe khoắn, không bị sâu bệnh, cành lá xum xuê. Dùng dao sắc và sạch cắt 1 đoạn từ 10cm và có ít nhất 3 nút. Sử dụng bao vác 1 góc 45 độ ở phần dưới của cành, đảm bảo cắt 1 lần là được, không nên gọt lại nhiều lần.
- Bước 2: Ngâm đầu cắt vát trong thuốc kích thích rễ có pha nước theo tỷ lệ 10mg trong 1 lít trong 1-2 giờ; rồi lấy ra để ráo.
- Bước 3: Dùng 1 que nhỏ chọt lỗ trên mặt giá thể bằng đầu bút chì và có độ sâu khoảng 4cm. Sau đó đặt cành giâm vào.
- Bước 4: Dùng tay lấp đất là ấn nhẹ vị trí xung quanh cho cây thẳng đứng. Không nên làm quá chặt rồi tưới nước.
Một số lưu ý khi giâm cành quất
Lưu ý khi giâm cành quất nên loại bỏ hết lá già, chỉ chừa lại 1 ít lá và đọt non để tránh thoát hơi nước. Tưới nước đều đặn để đất không bị khô, đủ ẩm cho cành giâm ra rễ. Tuy nhiên không tưới quá nhiều nước gây ngập úng. Khi cây con có bộ rễ vững chắc và phát triển tương đối. Người trồng hãy chuyển sang trồng ở đất vườn hoặc chậu để cây quất có môi trường phát triển tốt hơn.
Để nhân giống quất đạt hiệu quả cao, chúng ta nên chú ý thực hiện đúng quy trình. Để cây có thể ra rễ và phát triển tốt như kỳ vọng.