Cá trắm cỏ là một trong những loại thủy sản nước ngọt mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, để đảm bảo cho cá trắm cỏ phát triển tốt trong môi trường nuôi nhốt lại không hề dễ dàng. Chỉ cần mắc bệnh, đặc biệt là cá trắm cỏ bị xuất huyết thì tỉ lệ chết đã khá cao, khiến cho người nuôi thua lỗ nặng. Thấu hiểu được những nỗi băn khoăn của người nuôi, bài viết này của chúng tôi sẽ trình bày một số thông tin xoay quanh căn bệnh xuất huyết do virus ở cá trắm cỏ. Bà con hãy tham khảo để có phương án phòng ngừa cũng như điều trị kịp thời nhé.
Biểu hiện khi cá trắm cỏ bị xuất huyết
Bệnh xuất huyết ở cá trắm cỏ do một loại virus gây ra. Nó khiến cho cơ thể cá đỏ lên do xuất huyết, vây đỏ, nắp mang đỏ và viêm ruột. Khi mắc phải bệnh này tỷ lệ cá chết cao từ 30 – 50% đàn cá trong ao. Cũng có một số ao nuôi tỷ lệ cá chết là 100%.
Đối với cá giống ( 3–5cm) khi nhìn dưới ánh sáng mạnh có thể thấy cơ xung xuất huyết. Xoang miệng, nắp mang, xung quanh mắt, gốc vây và phần bụng cá có hiện tượng xuất huyết. Nhãn cầu của cá sẽ lồi ra. Phần tơ mang màu đỏ hoặc trắng nhợt nhạt do mất máu.
Cá trắm cỏ lớn trên 2 tuổi khi mắc bệnh thì dấu hiệu xuất huyết không rõ ràng. Bệnh xuất huyết thường kết hợp với bệnh viêm ruột do vi khuẩn làm cho ruột bị hoại tử và sinh hơi. Bên cạnh đó bà con cũng sẽ thấy triệu chứng hậu môn cá bị viêm đỏ. Thông thường bệnh xuất huyết thường xảy ra ở hai dạng:
– Dạng cấp tính: Bệnh phát triển rất nhanh. Cá bị bệnh sau khoảng thời gian từ 3–5 ngày có thể chết trắng ao. Tỷ lệ chết trung bình là 30–50%. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các kích cỡ cá. Mức độ nghiêm trọng nhất khi nuôi ở mật độ dày như nuôi trong lồng cá nhân tạo.
– Dạng mãn tính: Bệnh phát triển tương đối chậm. Trong giai đoạn này cá chỉ chết rải rác. Ở dạng mãn tính thường xuất hiện bệnh ở những ao nuôi cá giống; nuôi ở diện tích lớn và mật độ thưa.
Hướng dẫn cách phòng và điều trị khi cá trắm bị bệnh
Biện pháp phòng bệnh
Khi mắc bệnh việc điều trị là vô cùng khó khăn. Vậy nên để giảm thiểu thiệt hại kinh tế do bệnh xuất huyết ở cá trắm cỏ bà con nên phòng bệnh bằng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Điển hình như sau:
– Qua mỗi vụ nuôi cần có thời gian tẩy trùng ao, lồng nuôi. Trước khi nuôi cá phải chuẩn bị ao nuôi kỹ càng, dùng vôi hòa với nước và té đều xuống ao với liều lượng 2kg/100m2 định kỳ một tháng 2 lần để tiêu diệt triệt để mầm bệnh.
– Vào mùa bệnh, bà con nên dùng Vitamin C bổ sung vào thức ăn cho cá, với liều lượng 30mg/kg cá trong một ngày và cho cá ăn liên tục trong mùa phát bệnh.
– Ngoài ra bà con cũng nên áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp, quản lý tốt nguồn nước định kỳ. Bà con có thể sát khuẩn bằng dung dịch IODINE 01 lít /8000- 10.000m3 nước, FBK 01 lít/ 3.000m3, CLORINE 15-20 ppm. Bên cạnh đó, bà con nhớ lưu ý: Khi sử dụng các thuốc sát khuẩn kể trên nên bật quạt khí để cá khỏe tránh mất oxy hòa tan và thuốc được trộn đều vào ao.
Cách điều trị khi cá trắm cỏ bị xuất huyết
Khi cá trắm bị bệnh, người nuôi cần tiến hành khử trùng nước ao bằng TTCA , BKC hoặc BKD. Liều lượng áp dụng nên tuân theo quy định của nhà sản xuất khi trên bao bì.
Đối với cá thì cho ăn DOXYCYCLIN hoặc FLORPHENICOL với liều lượng của nhà sản xuất có ghi trên bao bì. Thời gian cho ăn nên dao động từ 5–7 ngày liên tục.
Sau khi điều trị bằng kháng sinh xong bà con cho cá ăn thêm VITAMIN C, B1 và bột tỏi nhằm tăng cường thêm sức đề kháng cho cá. Nó cũng giúp kích thích hệ vi sinh vật trong đường ruột phát triển; làm cho cá ăn khỏe và nhanh chóng phục hồi sau bệnh.
Hy vọng những thông tin chúng tôi chia sẻ có ích cho bà con nuôi cá trắm cỏ. Bà con hãy lưu tâm để phát hiện cũng như chữa trị kịp thời khi cá bị bệnh, từ đó giảm thiểu thiệt hại về kinh tế nhé.