Tại các vưởn trồng cây hoa hồng sẽ có những thời điểm xuất hiện nhiều bệnh hại. Chúng sinh trưởng, phát triển mạnh phá hại các giống hồng. Một số bệnh phổ biến và nguy hiểm gây hại cây hoa hồng là bệnh đốm đen (Marsonina rosae), bệnh phấn trắng (Sphaerotheca pannosa), bệnh gỉ sắt (Phragmidium mucronatum)… Trong đó, bệnh phấn trắng xuất hiện phổ biến hơn cả. Để thuận tiện cho việc phát hiện bệnh ngoài vườn ruộng, chúng tôi lưu ý bà con một số đặc điểm chủ yếu về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng trừ bệnh hại hoa hồng như dưới đây.
Bệnh phấn trắng là gì?
Phấn trắng là bệnh khá phổ biến trên các loại cây, trong đó có hoa hồng, hoa lan. Bệnh xuất hiện trong điều kiện mưa phùn, độ ẩm cao sau Tết. Bệnh phấn trắng từ nấm Erysiphe cichoarcearum. Đó là loại nấm ký sinh chuyên tính. Chúng bám tạo vòi đâm vào tế bào trên bề mặt lá và hút chất dinh dưỡng.
Bệnh tồn tại kí sinh bắt buộc quanh năm, lây lan qua gió và không khí khi tiếp xúc giữa cây bệnh với cây khỏe. Độ ẩm không khí càng cao là điều kiện thuận lợi cho bào tử phát sinh nảy mầm nhanh.
Nấm bệnh thường tấn công trên lá, cành non và cả trên nụ hoa. Nhưng chủ yếu vẫn là trên lá. Khi lá còn non bệnh làm cho lá mất độ bóng láng bình thường. Trên bề mặt lá, cành non phủ một lớp phấn màu trắng. Bệnh phấn trắng làm giảm hiệu suất quang hợp, giảm sức sống của cây. Nó làm cho lá bị rụng sớm, nụ hoa biến hình, không thể nở được. Thậm chí gây chết khô, ảnh hưởng đến phẩm chất và giảm sản lượng.
Triệu chứng của bệnh phấn trắng
+ Bệnh hại trên lá, thân, cành non, nụ hoa.
+ Trên các bộ phận bị bệnh có một lớp nấm màu trắng bao phủ trên bề mặt. Trông như bột phấn trắng mịn rắc lên trên.
+ Bệnh làm biến dạng mép lá, cong cuốn, thô, dày, lá nhỏ, chồi ngọn bé, nụ hoa và lá vàng, dễ rụng.
Nguyên nhân gây bệnh phấn trắng
+ Nấm Sphaerotheca pannosa thuộc bộ Erysiphales, lớp Nấm túi (Ascomycetes).
+ Nấm phấn trắng là loại nấm ký sinh chuyên tính (ngoại ký sinh) có sợi lan rộng che phủ kín bề mặt mô bệnh. Nó tạo vòi hút trong các tế bào cây.
+ Cành bào tử phân sinh mọc thẳng từ sợi nấm, trên đỉnh cành sinh ra từng chuỗi bào tử. Bào tử phân sinh hình trứng, đơn bào, không màu, truyền lan nhờ gió, mưa.
Đặc điểm khi bệnh phát sinh phát triển
+ Bệnh phát sinh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 17 – 25oC. Trong điều kiện có ẩm độ cao hoặc khô hạn bệnh phát triển.
+ Bệnh thường phát sinh vào cuối mùa đông từ tháng 1 đến tháng 5. Và phát triển mạnh nhất vào tháng 3 – 4 ở các tỉnh phíâ bắc.
+ Bệnh phá hại nặng trên các giống hoa hồng đỏ Pháp, hoa hồng Đà Lạt ở những chân ruộng trồng độc canh. Và bón nhiều phân đạm vô cơ.
Biện pháp phòng trừ bệnh phấn trắng
– Khi chọn giống ta nên lựa chọn loại cây có khả năng kháng bệnh tốt.
– Nên vệ sinh sạch sẽ chỗ đất trồng, làm thông thoáng bề mặt đất trồng. Trồng đúng mật độ, không trồng cây quá dày.
– Nếu cây được trồng trong nhà kín cần tăng cường hệ thống thông gió, giảm nhiệt độ và độ ẩm. Tránh trường hợp để nhiệt độ cao tạo điều kiện cho nấm gây bệnh.
– Bón lượng phân lân vừa phải, không bón quá nhiều đạm khiến cây hấp thụ thừa xanh tốt quá cũng dễ gây bệnh.
– Cần loại bỏ những lá, chồi, cành bị bệnh, tốt nhất đem tiêu hủy càng xa cây càng tốt.
+ Chú ý tỉa cành và lá bệnh, tạo vườn thông thoáng nhiều ánh sáng.
+ Có thể phun thuốc sớm, nhiều lần, để phòng trừ bệnh bằng một số loại thuốc. Ví như: Score 250ND; Anvil 5SC; nước lưu huỳnh vôi 0,3; Bome hoặc Tilt super 300ND (0,1 – 0,2l/ha).