Vitamin B1 là một trong những chất có vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền thần kinh ở cả người và động vật. Vì thế, trong chăn nuôi, nếu gia cầm bị thiếu hụt loại vitamin này thì rất dễ mắc phải các căn bệnh nghiêm trọng. Đồng thời, bệnh do thiếu vitamin B1 cũng thường được gọi là bệnh viêm đa thần kinh.
Nhìn chung, hiện tượng thiếu hụt vitamin B1 có thể xảy ra ở bất cứ loại gia cầm nào. Tuy nhiên, các loại gà vẫn luôn là loại gia cầm mẫn cảm nhất với các triệu chứng. Việc thiếu hụt B1 thường xảy ra ở các trại chăn nuôi tập trung, biểu hiện phổ biến nhất là ở giai đoạn con non phát triển. Bà con khi phát hiện ra những triệu chứng dưới đây cần ngay lập tức thực hiện các biện pháp chữa trị và phòng bệnh cho đàn gia cầm.
Nguyên nhân thiếu vitamin B1 ở gia cầm
Bệnh do thiếu vitamin B1 ngày càng thường xuyên xuất hiện trong chăn nuôi gia cầm tập trung. Các biểu hiện của bệnh biểu hiện chủ yếu ở hệ thần kinh của gia cầm non đang phát triển. Vì thế bệnh còn có tên gọi khác là bệnh viêm đa dây thần kinh hoặc bệnh thần kinh. Nguyên nhân gây ra thiếu vitamin B1 trên gia cầm thường xuất phát từ các lý do sau.
- Do hàm lượng vitamin B1 trong thức ăn thấp dưới mức cho phép.
- Do dùng quá nhiều các loại thuốc chứa các thành phần thuộc nhóm Sulfonomide. Ví dụ như Sulfachloropirazin, Sulfachloropyridazin, Sulfadimedin… Hoặc có thể, bà con dùng các loại nguyên liệu thuộc nhóm Nitrofuran như: Furazolidon, Furaltadon…
Bệnh có thể xảy ra ở những loại gia cầm nào?
Tất cả các loài gia cầm, thủy cầm đều có thể mắc bệnh. Nhưng gà và các loại cùng nòi thường mẫn cảm nhất. Đột tuổi mắc bệnh của gia cầm có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Tuy nhiên nhạy cảm nhất là gia cầm sơ sinh, gia cầm non đang trong thời kỳ lớn (sinh trưởng) mạnh.
Các dấu hiệu cho thấy gia cầm thiếu vitamin B1
Gia cầm khi mắc bệnh sẽ giảm ăn, ủ rũ, lười vận động, dáng đi không vững. Khi đứng hoặc ngồi thì các ngón chân thường bị quắp (co rúm lại). Đầu thường nghoẹo ngoặt về sau lưng hoặc sang 1 bên. Nhìn thoạt giống như ở bệnh Niu-cát-xơn. Nhưng ở đây, bệnh không lây lan. Gà bệnh thường nằm nghiêng và run rẩy hoặc co giật. Về sau khi xuất hiện liệt chân và cánh thì chúng không đi lại được. Lúc đó gà bị tiêu chảy, viêm da và suy kiệt dần rồi chết. Ở gia cầm đẻ, tỷ lệ đẻ giảm, tỷ lệ chết phôi cao, tỷ lệ ấp nở thấp. Gà con nở ra yếu và thiếu linh hoạt…
Khi tiến hành mổ khám, chúng ta sẽ phát hiện ra gan bị thoái hóa, sưng to và mềm nhũn. Thận sưng và cũng bị thoái hóa. Não có màu hồng nhạt do dồn máu.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
- Dựa vào đặc điểm lâm sàng, bệnh tích có thể chẩn đoán được bệnh.
- Tuy nhiên cần xét nghiệm hàm lượng B1 ở trong huyết thanh, gan và lòng đỏ trứng. Kết quả cho thấy các chỉ số này đều giảm. Riêng axit folic ở gan lại tăng.
- Khối lượng B1 trong thành phần của thức ăn dưới mức cho phép.
- Khi xét nghiệm vi thể não hoặc dây thần kinh đùi sẽ thấy các biến đổi đặc trưng của phản ứng viêm vô trùng (polyneuritis aceptica).
Phương pháp điều trị cho gia cầm thiếu vitamin B1
- Khẩn trương bổ sung Vitamin hoặc Doxy: 10- 12g/1kg thức ăn tuần đầu, sau đó giảm xuống 6g/kg thức ăn cho 3-4 tuần tiếp theo.
- Điều chỉnh lại thành phần chất của thức ăn sao cho đủ Vitamin B1.
Cách phòng ngừa hiện tượng thiếu hụt B1
- Cân đối các thành phần cấu tạo công thức thức ăn sao cho đủ chất. Đặc biệt vitamin B1.
- Chú trọng chống nấm mốc trong các quá trình chế biến, bảo quản, lưu thông thức ăn. Vì nấm mốc sẽ phân hủy vitamin B1 nói riêng và nhóm B nói chung. Từ đó, dẫn đến thiếu hụt vitamin B1 và các loại vitamin B khác.
- Phải thường xuyên bổ sung men tiêu hóa Feedophyt 2500 hoặc Hostazym với liều 400g/tấn thức ăn (4g/kg) cho gia cầm ăn liên tục. Việc này nhằm giúp gia cầm tự tổng hợp được vitamin B1 nói riêng và các loại vitamin khác thuộc nhóm B nói chung trong đường tiêu hóa của chúng.