Cũng giống như các loài động vật khác, cá rất dễ nhiễm bệnh. Có rất nhiều nguyên do để gây ra các nguồn bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các loại cá đều có khả năng mắc bệnh trùng bánh xe hoặc nấm thủy mi. Đây là hai loại trùng hoạt động mạnh mẽ nhất trong môi trường nước. Nếu người chăn nuôi không biết cách phòng và trị bệnh gây bởi hai loại trùng này thì nó sẽ lan rộng lên những con vật nuôi cùng môi trường. Bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp thông tin rõ nhất về bệnh trùng bánh xe và nấm thủy mi để người chăn nuôi có biện pháp phòng tránh cho cá nuôi.
Bệnh trùng bánh xe ở cá
Bệnh ở cá cũng như bệnh ở các động vật thuỷ sản khác xảy ra là do sự tương tác giữa vật chủ có tính mẫn cảm với bệnh, trong điều kiện môi trường không thuận lợi, cùng với sinh vật gây bệnh có sẵn trong môi trường cũng như cơ thể cá.
Dấu hiệu bệnh trùng bánh xe
Khi cá mới mắc bệnh, trên thân có nhiều nhớt hơi trắng đục, da chuyển sang màu xám, cá ngứa ngáy, khó chịu, thường nổi từng đám trên tầng mặt, một số con tách khỏi đàn bơi lờ đờ quanh ao. Cá bị bệnh nặng bơi không định hướng, lật bụng, chìm xuống đáy ao và chết. Tác nhân gây bệnh: Bệnh trùng bánh xe do loại vi khuẩn có tên kHoa học Trichodina, Trichodinella, Tripartiella gây ra.

Cách phân bố và lan truyền bệnh
Trùng bánh xe phân bố rộng, gây bệnh chủ yếu ở giai đoạn cá hương cá giống (tỷ lệ cảm nhiễm bệnh cao từ 80 – 100%). Sau khi phát bệnh cá chết hàng loạt. Bệnh xuất hiện nhiều vào các mùa xuân, mùa hè, mùa thu; trong mùa đông bệnh ít phát triển.
Hướng dẫn phòng và trị bệnh
Biện pháp tốt nhất vệ sinh ao hồ ương cá thật kỹ trước khi thả giống, phải tẩy vôi, tiêu độc ao. Mật độ cá không nên thả quá dày, không dùng phân hữu cơ tươi.
Có rất nhiều loại thuốc có thể trị bệnh trùng bánh xe, ở Việt Nam thường dùng một số hoá chất dễ kiếm: dùng nước muối ăn 2-3% tắm cho cá 5-15 phút; dùng CuSO4 nồng độ 3-5 ppm tắm cho cá 5-15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5-0,7 ppm (0,5-0,7g/m³ nước). Nước quá đục dùng Biotics 5kg/3.000m³ nước. Trộn vitamin C-Sol 1g/2kg thức ăn cho cá ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
Dùng phèn xanh (CuSO4), sử dụng theo 2 cách: Tắm cho cá ở nồng độ 2 – 5 ppm (2 – 5 gr thuốc/m3 nước) trong thời gian 5 – 15 phút. Hoà thuốc tan trong nước phun xuống ao với nồng độ 0,5 – 0,7 ppm. Kết quả trị bệnh theo phương pháp này đạt kết quả khá tốt.
Bệnh nấm thuỷ mi ở cá
Dấu hiệu của bệnh nấm thủy mi
Khi mới bị bệnh trên da cá, da ba ba… xuất hiện những vùng trắng, xám, ở đó có những sợi nấm nhỏ, mềm; sau vài ngày sợi nấm phát triển thành búi trắng như bông, có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Trứng cá bị bệnh có màu trắng đục, xung quanh có nhiều sợi nấm làm cho trứng bị ung.

Cách phân bố và lan truyền bệnh
Bệnh nấm thuỷ mi không chọn các ký chủ, tất cả các loài thuỷ sản đều có thể bị bệnh. Trong các ao nuôi mật độ dày, nước bẩn đều có thể xuất hiện bệnh nấm. Bệnh nấm phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ nước từ 18 – 25oC. Miền Bắc nước ta bệnh nấm phát triển mạnh vào mùa xuân, cuối thu và mùa đông…
Hướng dẫn phòng và trị bệnh
Áp dụng phương pháp phòng chung. Có thể dùng muối ăn tắm cho động vật thuỷ sản ở nồng độ 2 – 3 % trong 15 – 30 phút. Ngoài ra dùng Chlorin hoà nước phun đều xuống ao với lượng 1ppm (1 gam/1m3 nước). Phun trong 2 ngày liên tục.
Dùng thuốc diệt nấm cho cá. Có thể dùng một số hóa chất để trị bệnh nấm thủy mi: Methylen 2 – 3g/m3, KMnO4 1 – 2g/m3 tạt xuống ao và lặp lại 2 lần trong 1 tuần. Hoặc dùng dung dịch muối ăn 3% tắm cá trong 15 phút. Cá nuôi trong lồng có thể dùng KMnO4 hòa với nước vôi trong tạo ra màu bourdo tắm cho cá.
Thực hiện kỹ thuật tẩy dọn ao trước mỗi vụ nuôi. Nuôi cá với mật độ thích hợp. Tránh tác động cơ học hoặc do ký sinh trùng làm cá bị tổn thương. Duy trì và ổn định nhiệt độ trong ao bằng nhiều cách như duy trì mực nước ao 1,5m, phủ bèo tây 2/3 ,mặt ao…