Cá chẽm còn được gọi với cái tên khác là cá vược. Đây là loại thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao, dinh dưỡng nhiều. So với việc nuôi các loại thủy hải sản khác thì nhiều bà con nhận định nuôi cá chẽm sẽ thu về nguồn lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra đó là trong quá trình nuôi, nhiều người đã phản ánh cá chẽm thường bị rụng vảy, hoại tử cơ rồi dẫn đến chết. Vậy liệu có cách nào phòng trị chứng bệnh này hiệu quả không? Nguyên nhân nào dẫn đến những chứng bệnh kể trên? Độc giả hãy khám phá thông tin qua chia sẻ sau đây nhé.
Nguyên nhân gây bệnh ở cá chẽm
Cá chẽm là loài cá rộng muối và có tính di cư xuôi dòng. Ở Việt Nam, chúng được nuôi rộng khắp ở các môi trường nước mặn, lợ, kể cả nước ngọt. Bà con hay nuôi bằng hình thức trong ao đất hoặc nuôi lồng bè. Vào năm 2015, các nhà khoa học ở Thái Lan đã tiến hành một nghiên cứu nhằm xác định tác nhân gây bệnh ở những con cá chẽm bệnh có biểu hiện của bệnh rụng vẩy, hoại tử cơ được thu thập từ các ao nuôi ở miền Trung Việt Nam.
Quay trở lại năm 2013, các triệu chứng rụng vẩy và hoại tử cơ được xem như là một vấn đề mới nổi trên cá chẽm nuôi ở Việt Nam. Cá bị bệnh này thường có các biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Điển hình như rụng vẩy, hoại tử cơ và thậm chí là chết.
Có năm loài vi khuẩn khác nhau đã được phát hiện ở cá bị bệnh. Cụ thể đó là Vibrio harveyi, Vibrio tubiashii, Tenacibaculum litopenaei; Tenacibaculum sp. và Cytophaga sp.
Gây nhiễm thực nghiệm cho thấy chỉ có V. harveyi là gây chết cá với các dấu hiệu lâm sàng và biến đổi mô tương tự với cá nuôi bị bệnh ngoài ao. Thêm vào đó, nhiều loài vi khuẩn chưa nuôi cấy được, bao gồm T. maritimum cũng được phát hiện từ DNA ly trích từ cơ bị hoại tử bằng phương pháp PCR đặc hiệu theo loài và giải mã thư viện dòng tế bào 16S rDNA. Tuy nhiên, vai trò của vi khuẩn T. maritimum đối với sự thể hiện của bệnh cần phải được nghiên cứu thêm.
Triệu chứng và cách phòng trị bệnh
– Triệu chứng
+ Kiểm tra mô bệnh học cho thấy có dấu hiệu cơ bị hoại tử nghiêm trọng với sự xâm nhập một lượng lớn các tế bào có liên quan đến miễn dịch. Hiện tượng xuất huyết khá nghiêm trọng và tắc nghẽn máu ở não. Các ống thận ở cá bị cong gãy. Các tế bào biểu mô bong tróc vào bên trong khoang.
– Điều trị bệnh
Để trị bệnh này, có thể áp dụng cách trị bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio gây ra trên cá chẽm. Bạn sử dụng Oxytetracylin + Bactrim (1 : 1) 1 – 3 ppm hoặc Erythromycin + Bactrim (1 : 1) 1 – 3 ppm. Ngoài ra người nuôi cần khử trùng nước ao nuôi bằng BKC hoặc Iodine.
Kết luận
Có thể thấy rằng cá chẽm là loài cá biển rất được ưa thích ở thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc nuôi cá chẽm thâm canh đã phát triển ở một số nước (Australia, Thái Lan, …) từ rất lâu. Tuy nhiên ở Việt Nam chỉ phát triển khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp việc cá chẽm bị bệnh đã gây nên thiệt hại lớn. Bà con hãy chuẩn bị các kiến thức xung quanh loại thủy sản này để từ đó thêm chủ động trong quá trình nuôi.
Chúc mọi người có những giây phút thư giãn bổ ích với thông tin chúng tôi cung cấp. Hãy tiếp tục theo dõi trang tin để cập nhật các kiến thức về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho thủy hải sản nhé.