Khi nuôi tôm công nghiệp có rất nhiều vấn đề mà người chăn nuôi cần phải chú ý đến. Để đảm bảo chất lượng của tôm luôn ở ngưỡng cao thì việc phòng chống các bệnh cho tôm là điều rất cần thiết. Bởi tôm sống trong môi trường nước rất dễ phát triển và lây lan các mềm bệnh nếu người nuôi không xử lý triệt để nguồn bệnh. Đặc biệt là bệnh đen mang ở trên tôm. Đây là căn bệnh chủ yếu mà bất cứ người nuôi tôm nào cũng từng gặp phải. Vậy làm thế nào để phòng tránh và trị bệnh đen mang tôm, hãy cùng tham khảo bài viết này.
Bệnh đen mang đối với tôm sú và tôm thẻ
Bệnh đen mang là bệnh thường gặp ở tôm nuôi trong các ao nuôi có môi trường không tốt, mật độ nuôi dày.
Các triệu chứng của bệnh
Mang và vùng mô nối mang với thân tôm có màu nâu hoặc đen. Khi nhiễm nặng các phụ bộ, chân và đuôi cũng bị đen. Tôm nổi đầu do thiếu oxy, bơi lờ đờ trên mặt nước, dạt vào bờ. Tôm giảm ăn, chậm lớn và chết khi có thêm các tác nhân khác. Mang tôm bị vi khuẩn, nấm hoặc nguyên sinh động vật ký sinh phá hủy khi bệnh nặng.

Nguyên nhân gây ra nguồn bệnh
Do ao bị ô nhiễm. Trong ao có nhiều chất ô nhiễm hữu cơ do thức ăn dư thừa, tảo tàn. Đáy ao có nhiều mùn bã hữu cơ, hàm lượng nitrit, nitrat, và các khí độc amonia, H2S cao. Các chất lơ lửng trong nước bám vào mang tôm làm mang có màu vàng, nâu đen.
Do tôm bị đóng rong trên mang và vỏ: Mang và vỏ tôm đóng rong làm các chất vẩn hữu cơ dễ bám vào và làm mang tôm chuyển màu. Do pH nước thấp, trong nước nếu có nhiều ion kim loại nặng (nhôm, sắt), muối của chúng kết tụ trên mang tôm làm chuyển màu đen.
Do tôm nhiễm nấm Fusarium (Fusarium Disease): Mang tôm bị nhiễm nấm Fusarium solani mang tôm nhiễm sắc tố Melanin (sắc tố màu đen). Có thể thấy được sợi nấm khi soi tươi mang tôm bệnh bằng kính hiển vi. Các loài nấm thuộc giống Fusarium có trong nước ngọt, nước lợ và đất ở khắp nơi. Tất cả các loài tôm nuôi đều có thể bị nhiễm nấm. Tôm gần trưởng thành và trưởng thành thường bị nhiễm nặng. Tôm sú và tôm thẻ tương đối đề kháng được với nấm nhưng khi bệnh xảy ra rất khó điều trị.
Hướng dẫn phòng bệnh đen mang tôm
Tẩy dọn ao kỹ trước khi thả tôm. Lắng lọc kỹ nước trước khi cấp vào ao nuôi. Chọn mật độ nuôi phù hợp với tay nghề và kỹ thuật. Kiểm soát tảo trong ao, tránh tảo tàn đồng loạt (dùng đường, BKC…). Tăng cường sục khí để tăng hàm lượng oxy. Tránh dư thừa thức ăn, định kì dùng men vi sinh để giảm phân hủy các chất ô nhiễm hữu cơ trong ao, giữ đáy ao sạch. Bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn.
Hướng dẫn trị bệnh đen mang tôm
Nếu bệnh phát sinh do môi trường ô nhiễm: Thay nước đáy hoặc xiphong đáy, đánh zeolite, dùng chế phẩm yucca, men vi sinh, bổ dung vitamin C vào thức ăn.

Nếu bệnh phát sinh do nhiễm khuẩn: Diệt khuẩn nước bằng BKC, iodin, v.v… thay nước đáy, dùng men vi sinh xử lý đáy ao, bổ sung vitamin C và đa vitamin vào thức ăn. * Chú ý: nếu dùng chất diệt khuẩn thì sau 3 ngày mới đánh men vi sinh. Trường hợp khẩn cấp, không có điều kiện thay nước: dùng vôi, zeolite để xử lý, sau đó dùng vi sinh.
Bệnh đen mang đối với tôm hùm
Đối với tôm hùm, bệnh có thể xuất hiện ở cả tôm con và tôm trưởng thành.
Các triệu chứng của bệnh
Mang tôm có những điểm đen, các tơ mang chuyển màu đen, nếu bệnh nặng sẽ thấy mang thối rữa toàn bộ. Thân tôm xuất hiện những đốm đen, mắt cũng có thể chuyển sang màu đen. Tôm bỏ ăn, hô hấp kém, nằm dưới đáy lồng và có thể chết hàng loạt.
Ngoài dấu hiệu đen mang do nấm gây ra nêu trên, ở tôm hùm nuôi lồng còn gặp dấu hiệu đen mang khác, như mang tôm chuyển từ màu trắng ngà sang màu nâu hoặc đen. Tôm hùm thường thể hiện hô hấp khó khăn, ngoi lên mặt lồng, bè nuôi. Đây là hội chứng đen mang không do các tác nhân sống gây ra, mà do các chất thải hữu cơ bám vào mang và gây hiện tượng đen mang. Ở những vùng nuôi tôm hùm bằng lồng găm hay lồng chìm tập trung như Sông Cầu (Phú Yên), Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xảy ra hội chứng này.
Nguyên nhân gây ra bệnh
Do môi trường nước ô nhiễm, nồng độ khí độc NH3 và H2S trong môi trường cao làm cho sắc tố melanin phát triển tại các mô của mang bị phá hủy. Do nhiễm vi khuẩn dạng sợi Vibrio, nhiễm nấm Fusarium. Do ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa).

Cách phòng ngừa bệnh
Kiểm tra chất lượng nước thường xuyên để xử lý kịp thời. Cho ăn thức ăn chất lượng tốt, kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý, không để thừa thức ăn làm ô nhiễm nước.
Treo những túi vải có chứa vôi ở giữa lồng tôm hoặc đặt ở những vùng đáy lồng nuôi bị ô nhiễm. Từ đó để diệt ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn. Tắm cho tôm bằng formol hoặc sulfat đồng, thả nuôi ở một lồng khác.
Dùng thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn, chú ý dùng đúng loại thuốc. Sử dụng đúng liều lượng, đúng thời gian. Việc sử dụng kháng sinh chỉ có kết quả khi phát hiện bệnh sớm. Thời gian điều trị bằng kháng sinh từ: 5 – 7 ngày.
Nếu tôm đã nhiễm bệnh, người nuôi sử dụng Formaline 100-200ppm tắm cho tôm trong thời gian 10-15 phút mỗi ngày. Dùng trong 2-4 ngày để điều trị bệnh. Bên cạnh đó, tách riêng những con tôm có dấu hiệu bệnh (cho vào các thùng chứa để điều trị). Nhằm giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh cho cả đàn tôm và sẽ đơn giản hơn trong quá trình trị bệnh.