Thiếu máu ở gà thường do tình trạng thiếu hụt hoặc mất cân bằng dinh dưỡng gây ra. Tuy nhiên, đôi khi hiện tượng này cũng báo hiệu gà đã mắc phải một căn bệnh nguy hiểm có khả năng truyền nhiễm. Đó là bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở gà. Khi mắc bệnh, gà thường gặp phải các triệu chứng điển hình như thiếu máu cấp, xuất huyết dưới da, đặc biệt là ở vùng cánh. Vì thế, bệnh còn được gọi bằng tên khác là bệnh cánh xanh.
Thông thường, bệnh sẽ xảy ra phổ biến nhất trong giai đoạn gà từ 2-24 tuần tuổi. Nhưng nguy hiểm hơn, bệnh này lại xuất phát từ nguyên nhân virus. Vì thế, chúng hoàn toàn có thể lây lan theo cả chiều ngang và chiều dọc. Tỷ lệ gây chết của bệnh trên thực tế có thể lên tới 40%. Do đó, bà con nên để ý các triệu chứng và sớm phát hiện ra bệnh. Đồng thời, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa và điều trị cho gà kịp thời.
Tìm hiểu chung về bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở gà
Bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở gà là một bệnh mới đặc trưng với các biểu hiện như thiếu máu cấp, xuất huyết cơ và dưới da. Hiện tượng này thường thấy ở da cánh. Đồng thời, gà cũng thoái hóa teo tuyến ức, teo túi Fabricius và các cơ quan tạo miễn dịch khác. Bệnh có các tên khác như bệnh cánh xanh hay bệnh viêm da gà.
Nguyên nhân gây bệnh cánh xanh là do một loại Taxonomvirut thuộc nhóm Adenovirut gia cầm (CAV) gây ra. Bệnh chỉ xảy ra ở gà và loại gia cầm cùng nòi. Độ tuổi mắc bệnh thường xảy ra ở gà từ 2-24 tuần tuổi. Nhưng nặng nhất là gà từ 3-9 tuần tuổi. Đặc biệt là gà siêu thịt. Gà có thể bị phát bệnh quanh năm. Đồng thời, bệnh cũng có thể lan truyền theo cả chiều ngang và chiều dọc. Trong đó, đường truyền ngang là qua đường ăn uống và hô hấp. Còn phương truyền dọc là từ gà mẹ sang con qua phôi trứng.
Các triệu chứng điển hình ở gia cầm
Bệnh thiếu máu truyền nhiễm thường bùng phát bất ngờ. Khi mắc bệnh, gà thường có những biểu hiện dưới đây:
- Gà bệnh hay nằm tụm đống, ngại vận động, xù lông, giảm hoặc bỏ ăn, lông xù.
- Mào tích nhợt nhạt, da xanh vàng.
- Tụ máu dưới da cánh, đặc biệt ở khuỷu cánh. Vì thế, bệnh có tên là bệnh cánh xanh. Hoặc gà cũng có thể bị chảy máu từ lỗ chân lông ống của đuôi và cánh.
- Tiêu chảy mạnh, phân xanh vàng hoặc xanh vàng trắng.
- Lông của phần lưng bị rụng, thấy rõ nhiều đám da bị viêm tạo vảy có màu nâu đen.
Bệnh kéo dài 10-20 ngày và gà chết do mất máu suy kiệt hoặc do bệnh kế phát. Tỷ lệ chết do thiếu máu truyền nhiễm nguyên phát khoảng 15%. Nhưng trong thực tế chúng tôi thấy tỷ lệ chết lên đến 40-50%. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do bội nhiễm, bệnh ghép, hoặc do chảy máu gây hấp dẫn cho những gà khỏe khác đến mổ, cắn.
Bệnh tích sau khi mổ phân tích
Sau khi gà chết, nếu tiến hành mổ khám sẽ phát hiện gà bệnh có những dấu hiệu dưới đây.
- Xác gà gầy, tụ huyết tím bầm dưới da khuỷu cánh, xuất huyết chân lông ống cánh, đuôi.
- Khi lột da thấy xuất huyết dưới da cánh, xuất huyết cơ đùi, cơ ngực.
- Xuất huyết dạ dày tuyến, gan, thận. Các cơ quan nội tạng có màu sắc nhợt nhạt.
- Tuyến ức, túi Fabricius teo quắt (nhỏ lại).
- Tủy xương có màu vàng nhợt nhạt.
- Máu loãng, chậm đông…
Hướng phòng ngừa, điều trị bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở gà
Để điều trị bệnh, cần tăng cường sức đề kháng và khả năng sản xuất máu cho gà bằng cách cho uống Doxy hoặc Vitamin. Cùng với đó, bà con nên kết hợp với bổ gan-lách. Do bệnh có khả năng lây lan cao, các biện pháp phòng bệnh cần được triển khai càng sớm càng tốt.
Bà con không lấy trứng từ đàn gà bệnh để ấp, nhân giống. Bởi bệnh có thể lây lan qua phôi trứng. Cùng với đó, bạn nên chủ động tiêm phòng vacxin chủng CAV-CUX-1 hoặc TAD.Thymo của Đức. Cho uống lúc gà từ 1-3 ngày tuổi lần đầu và uống nhắc lại lần 2 lúc 18-25 ngày tuổi. Hoặc cách khác là sử dụng Nobilis CAV.P4 dòng 26P4, dùng cho gà từ 6 tuần tuổi trở đi. Đặc biệt, bà con cần chấp hành đúng các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.