Ngành cao su hiện là một trong những ngành nông lâm công nghiệp vô cùng quan trọng của Việt Nam. Các mặt hàng đầu ra của ngành bao gồm cao su thiên nhiên, gỗ cao su và các mặt hàng thành phẩm được làm từ loại gỗ này. Các mặt hàng này chủ yếu là để xuất khẩu, và có xu hướng đạt kim ngạch năm sau cao hơn năm trước và đang có giá trị tăng dần từ năm 2015 – 2020. Tính từ đầu năm đến ngày 15/10, tổng giá trị sản lượng xuất khẩu cao su Việt Nam đạt gần 1,4 triệu tấn, trị giá hơn 2,3 tỷ USD, tăng lần lượt 16,7% và 53,5% về lượng và giá trị so với cùng kỳ 2020.
Thống kê sản lượng cao su trong 10 tháng đầu năm

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết trong 15 ngày đầu tháng 10, xuất khẩu cao su Việt Nam đạt hơn 100.700 tấn, trị giá 165,4 triệu USD, tăng 10,3% về lượng và 36,3% về giá trị so với nửa đầu tháng 10 năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/10, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 1,4 triệu tấn, trị giá hơn 2,3 tỷ USD, tăng lần lượt 16,7% và 53,5% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 9, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 180.680 tấn, trị giá hơn 299 triệu USD, giảm 4,8% về lượng và giảm 4% về trị giá so với tháng 8/2021; so với tháng 9/2020 giảm 12% về lượng, nhưng tăng gần 13% về trị giá.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu cao su sụt giảm so với tháng trước đó, cụ thể hồi tháng 8, cũng vì ảnh hưởng dịch COVID-19 xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 200.000 tấn, trị giá 328 triệu USD, giảm 2,2% về lượng và giảm 3% về trị giá so với tháng 7.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam
Lũy kế 9 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su đạt 1,28 triệu tấn, trị giá 2,15 tỷ USD; tăng 15,8% về lượng và tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 9/2021, giá cao su xuất khẩu bình quân ở mức 1.655 USD/tấn. Tăng 0,8% so với tháng 8 và tăng đến 28,4% so với tháng 9/2020.
Trong tháng 9, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Chiếm 68,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Đạt 123.000 tấn, trị giá 199,25 triệu USD; giảm gần 10% về lượng và giảm 10,2% về trị giá so với tháng 8/2021. So với tháng 9/2020 giảm 26,3% về lượng và giảm 7% về trị giá.
Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức 1.620 USD/tấn; giảm 0,3% so với tháng 8/2021. Nhưng tăng 26,2% so với tháng 9/2020. Lũy kế 9 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 901.730 tấn cao su; trị giá 1,45 tỷ USD. Tăng gần 5% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm. Thì xuất khẩu sang một số thị trường tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Điển hình như Ấn Độ tăng hơn 169% về lượng và 255,6% về giá trị; Đức tăng gần 109% về lượng và hơn 163% về giá trị; Sri Landka tăng 150,4% về lượng và 268,2% về giá trị…
Thông tin về thị trường cao su thế giới

Trên thị trường thế giới, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Osaka (OSE) tăng mạnh trong tháng 10/2021. Mức cao nhất trong hơn 3 năm qua do những lo ngại kéo dài về nguồn cung khan hiếm. Trong khi đó nhu cầu từ bên phía Trung Quốc vẫn lớn có thể gây tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
ANRPC dự báo xu hướng giá cao su sẽ còn tăng tiếp diễn trong khoảng 2 tháng tới. Chủ yếu do lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục hồi phục và trở lại bình thường. Giữa bối cảnh doanh số bán ô tô ở Ấn Độ cũng tăng. Và Mỹ sẽ tung thêm chương trình mới để kích thích kinh tế mới. Giá cao su tăng trở lại còn do nguồn cung hạn hẹp bởi mùa mưa lớn tại Thái Lan. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng trồng cao su do các biện pháp phòng dịch Covid-19. Làm ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động khai thác mủ cao su.