Cá rô phi O. Niloticus là loài ăn tạp và thiên về động vật. Thức ăn chủ yếu là động vật phù du, mùn bã hữu cơ, tảo, ấu trùng, côn trùng, giáp xác, trùn, cỏ, bèo, … Ngoài ra cá còn ăn thêm thức ăn như bột ngũ cốc, cám gạo, bột ngô, bã đậu, bã rượu, thức ăn công nghiệp. Nuôi cá rô phi thâm canh đạt năng suất 20 tấn/ha/vụ, sử dụng thức ăn thô tự chế kết hợp với thức ăn công nghiệp, sử dụng quạt và các biện pháp quản lý chất lượng nước ao nuôi. Phương pháp canh tác này phù hợp với các trang trại và nông dân có kiến thức kỹ thuật nuôi cá rô phi và có tiềm năng đầu tư cao.
Đặc điểm của cá rô phi
Theo các nhà nghiên cứu, từ hình ảnh minh họa từ các ngôi mộ Ai Cập cho thấy cá rô phi được nuôi cách đây hơn 3.000 năm. Trên thực tế, cá rô phi có thể là một trong những loài cá đầu tiên từng được nuôi. Kể từ thời điểm đó, nuôi cá rô phi đã có sự phát triển bùng nổ. Chúng được xếp hạng là loài cá được nuôi nhiều thứ hai trên hành tinh.
Cá rô phi là một loại cá nước ngọt có tên tiếng Anh là cichlid. Cá rô phi hoang có nguồn gốc từ châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay loài cá này đã có mặt ở khắp các nước trên thế giới. Chúng được nuôi ở hơn 135 quốc gia. Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia có sản xuất cá rô phi lớn nhất thế giới. Họ sản xuất hơn 1,6 triệu tấn cá mỗi năm. Đồng thời cung cấp phần lớn lượng cá rô phi nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Đặc điểm của loại cá này là dễ nuôi và phát triển. Bởi chúng có thể sống trong không gian đông đúc; lớn nhanh và thức ăn cho cá cũng có giá thành thấp. Thuận lợi trong việc nuôi trồng giúp giá thành của cá rô phi cũng thấp hơn so với các loài thủy sản nước ngọt khác. Cá rô phi là loại cá có vị thanh nhẹ. Vậy nên đây là một lựa chọn tuyệt vời cho những người mới tập ăn hải sản. Là một loại cá trắng đa năng; cá rô phi có thể kết hợp hoàn hảo với hầu hết các loại gia vị và nước sốt.
Tiêu chuẩn ao nuôi
Ao nuôi nên có diện tích từ 3.000 – 10.000 m2, nước sạch, sâu 2 m, bùn dày 15 – 25 cm. Trước khi thả cá, ao cần được tháo cạn, dọn sạch, vét bùn đáy, tẩy vôi và phơi đáy ao từ 3 – 5 ngày để diệt những mầm bệnh trong ao. Dùng lưới có kích thước mắt lưới từ 0,5 – 1 mm để lọc nước đề phòng địch hại theo nước vào ao, ban đầu lấy 50 cm nước, sau 2 ngày ổn định môi trường nước thì thả cá và trong tuần đầu dâng nước lên đến mức 1,5 – 1,7 m.
Tiêu chí chọn giống
Chọn con giống khỏe mạnh, không bị mắc bệnh, cỡ cá đồng đều. Cỡ cá giống nên từ 5 – 10 g/con.
Chăm sóc cá và quản lý ao nuôi
– Bón phân: Định kỳ bón phân để ổn định màu nước 10 – 15 kg/100m2/tuần. Phân xanh, lá dầm được ngâm xuống ao 20 kg/100 m2/10 ngày, lân vi sinh định kỳ bón 1 tháng 1 lần 100 kg/1.000 m2.
Sử dụng chế phẩm sinh học Bio-DW 200 g/1.000 m3nước để cải tạo ao, 2 tháng đầu sử dụng 250 g/1.000 m3nước, định kỳ 10 ngày một lần, 3 tháng sau sử dụng 500 g/1.000 m3nước.
– Thức ăn tinh: Sử dụng loại thức ăn tự chế (70% bột ngô và 30% cá tạp) trong 2 tháng đầu và thức ăn công nghiệp trong 3 tháng cuối.
Hàng tháng kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cho ăn bã bia 500 kg/ha/10 ngày. Sử dụng men vi sinh (Bio-Probiotic for Shrimip) làm thức ăn bổ sung cho cá bằng cách trộn vào thức ăn rồi trực tiếp cho cá ăn.
– Quản lý môi trường: Mỗi tháng định kỳ bón vôi với liều lượng 2 kg/100 m3 hoà nước té đều khắp mặt ao. Thường xuyên kiểm tra sự ổn định của màu nước. Từ đó có thể gây màu kịp thời tránh trường hợp nước bị mất màu.
Thu hoạch sản phẩm
Sau khi cá nuôi được 4 – 5 tháng, trọng lượng cá đạt trung bình trên 500 g/con thì có thể thu hoạch. Những con nhỏ có thể nuôi tiếp 1 tháng để đạt trọng lượng thương phẩm.