Những năm gần đây, với nhiều giá trị kinh tế mang lại, cây xoan ta thường được chọn lựa là cây phủ xanh đồi núi trọc, trồng ven rừng hay cây lấy bóng,…. Cây xoan ta có thể thu hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau như lấy gỗ, sử dụng lá để làm thuốc trừ sâu hay làm thuốc trị bệnh,… Hiện nay, thị trường của cây xoan ta rất lớn nên loại cây này được khuyến khích mở rộng diện tích trồng nhằm nâng cao doanh thu cho bà con miền núi. Vì vậy, bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn bà con nông dân quy trình kỹ thuật trồng xoan ta đạt hiệu quả cao.
Lưu ý cần biết trước khi tiến hành trồng cây
Cây Xoan – còn gọi là Xoan ta có tên khoa học là Melia azedarach L thuộc họ Xoan Meliaceae. Là loài cây được trồng phổ biến trong nhân dân, có vùng sinh thái rộng. Gỗ Xoan nhẹ, dễ bào nhẵn, cưa xẻ và chạm trổ được dùng để đóng đồ mộc, dùng trong xây dựng, đồ dùng trong gia đình. Xoan có thể trồng cây phân tán hoặc trồng thành rừng.
– Thời vụ trồng:
Ở miền Bắc, Xoan ta được trồng chủ yếu vào vụ xuân, ngoài ra có thể trồng vụ Hè thu.
– Chuẩn bị cây giống:
Sử dụng loại cây con không bầu (cây rễ trần): Cây có chiều cao từ 1-3m, đường kính cổ rễ từ 1 – 2,5cm, cây không bị cụt ngọn, không sâu bệnh.
– Chọn vùng trồng cây xoan ta:
+ Cây xoan ta là loại cây có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện trồng khác nhau. Điều kiện thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển cho sinh khối lớn là loại đất cát pha, đất phù sa ven sông giàu dinh dưỡng, tần canh tác dầy, đất giữ ẩm tốt, thoát nước tốt không gây ngập úng.
+ Địa hình có thể trồng cây xoan ta là nơi có độ dốc dưới 25°, vùng trồng xoan có độ cao 500 – 700 m so với mực nước biển là lý tưởng.
Kỹ thuật trồng cây xoan ta
– Trồng xen với mật độ phù hợp:
+ Trồng theo ven lô chè: Chủ yếu làm cây bóng mát. Cây bảo vệ nên trồng khoảng cách cây cách cây 6 m.
+ Trồng trong nương chè: Trồng giữa 02 hàng chè với khoảng cách cây x cây là 12m. Đảm bảo vừa làm cây che bóng, vừa có khả năng hạn chế sâu bệnh.
Với cách trồng này, trên 1 ha chè trồng từ 100-110 cây.
– Chuẩn bị hố trồng và cách trồng:
+ Cuốc hố theo hình nanh sấu để tận dụng được không gian và phân tán ánh sáng tốt; Cuốc hố kích thước 40× 40 ×40 cm, khi cuốc hố để đất tầng mặt một bên, đất tầng đáy hố để một bên, cuốc hố trước khi trồng 1-1,5 tháng.
+ Lấp 2/3 hố bằng lớp đất mặt trộn đều với phân bón, lượng phân bón từ 2-5 kg phân chuồng hoai mục hoặc 0,2 kg NPK /hố, sau đó lấp đầy hố theo hình mâm xôi, lấp hố trước khi trồng 10- 15 ngày.
+ Cách trồng: Chọn trồng cây vào ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ, khi đất trong hố đã đủ ẩm; Nếu đất khô sau khi trồng phải tưới nước đủ ẩm để cây nhanh ra rễ mới.
Trồng cây rễ trần khi trồng không để bị cuộn rễ, phải giữ nguyên hình dạng của bộ rễ; Lấp đất dần và ấn nhẹ xung quanh gốc cây cho chặt, lấp đất cao hơn cổ rễ 1-2 cm, sau đó dùng cỏ rác tủ gốc giữ ẩm cho cây, phải duy trì độ ẩm đất 2-3 tháng để cây ra rễ mới, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao.
Kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại
– Chăm sóc 3 năm đầu, mỗi năm 2 lần vào tháng 4-5 và tháng 9-10; Sới vun gốc kết hợp bón thúc từ 0,1-0,3 kg NPK/cây. Tỉa bỏ cành bên tạo điều kiện cho thân chính được vươn cao 5-7m. Tạo tán che bóng tốt và tăng giá trị gỗ Xoan sau này.
– Xoan thường bị sâu đục phá từ các vết xước ngoài vỏ nên tránh không được làm xây xước vỏ; Thông thường đầu mùa xuân có thể dùng vôi quét vào gốc thân cây cao khoảng 2 mét.
Khi tuổi Xoan ta sau trồng 8- 10 năm thì có thể khai thác gỗ.