Gia cầm từ giai đoạn ấp nở cho đến khi úm vẫn còn khá non nớt và sức đề kháng yếu kém. Vì thế, trong giai đoạn này, bà con cần lưu ý hết sức cẩn thận để tránh gia cầm bị chết sớm. Bởi, rất nhiều loại gia cầm và thủy cầm đã gặp phải hiện tượng khô mỏ, khô chân, xù lông và kém ăn ở thời gian này.
Thông thường, vật nuôi dễ mắc bệnh từ 2 đến 15 ngày tuổi. Vì thế, bà con cần chú ý đến những biểu hiện ban đầu để sớm phát hiện và đưa ra các biện pháp phòng ngừa, chữa trị cho phù hợp. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ thông tin chi tiết cho bà con về nguyên nhân, triệu chứng và các cách xử lý phổ biến cho tình trạng khô mỏ ở gà nói riêng và các loại gia cầm nói chung.
Nguyên nhân gây hiện tượng khô mỏ ở gia cầm
Gia cầm sau khi ấp nở sẽ được chuyển qua giai đoạn úm. Rất nhiều bà con chủ quan trong giai đoạn này dẫn tới hiện tượng chết sớm, khô chân, khô lông, khô mỏ, kém ăn ở gia cầm con. Tất cả gia cầm, thủy cầm sơ sinh đều dễ mắc bệnh. Độ tuổi có thể mắc bệnh là từ 2-15 ngày tuổi, nhưng chủ yếu vào lúc 2-7 ngày tuổi. Và để khắc phục tình trạng này, bà con cần nắm được những biểu hiện, nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, áp dụng các cách phòng trị bệnh cho gia cầm để việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất.
Nhìn chung, bệnh này có thể do rất nhiều nguyên nhân như sau:
- Sai sót kỹ thuật ấp dẫn đến gia cầm nở không đều.
- Vận chuyển xa gia cầm mới nở, cho gia cầm mới nở uống và ăn muộn.
- Thiếu nhiệt úm trong những ngày đầu mới xuống chuồng nuôi.
- Thức ăn không đủ chất. Thiếu mẹt hay máng ăn, máng uống làm cho gia cầm không được ăn cùng một lúc, không được uống cùng một lúc. Điều này dẫn đến tình trạng gia cầm lớn không đều. Nhiều gia cầm còi cọc sau này.
- Không dùng toa thuốc chuyên dụng để úm gia cầm nhằm ngăn ngừa phó thương hàn, bạch lỵ và hen gà truyền qua phôi.
Dấu hiệu cho thấy gia cầm đã mắc bệnh
Lúc mới xuống chuồng úm, gà, vịt, ngan, ngỗng con tỏ ra nhanh nhẹn. Sau đó không lâu, chúng hay đứng hoặc nằm. Mắt nhắm nghiền và không chịu ăn uống. Quan sát kỹ thấy da chân khô, mỏ khô. Sau một vài ngày trở nên khô quắt, gầy tọp, nhẹ bỗng, lông xù đôi khi thấy tiêu chảy rồi chết. Tỷ lệ chết từ 5 – 30%, thậm chí trên 50% tùy vào nguyên nhân gây ra bệnh.
Khi tiến hành mổ khám, chúng ta có thể thấy những dấu hiệu như sau:
- Xác gia cầm rất nhẹ, lông xù.
- Diều không có thức ăn.
- Bụng nặng, lòng đỏ không tiêu.
- Ruột quắt, viêm cata đến viêm xuất huyết.
- Các cơ quan khác không có gì đặc biệt.
Gia cầm khô mỏ, khô chân và xù lông phải làm sao?
- Phải cung cấp đủ nhiệt cho gà, vịt, ngan con. Ngày đầu đủ 37 độ C. Sau mỗi ngày giảm đi 1 độ C sao cho đến lúc 7 ngày tuổi nhiệt độ vẫn đủ 30 – 31 độ C. Đến ngày thứ 14 đủ 25 – 27 độ C. Từ ngày 21 trở đi, chỉnh nhiệt độ tùy theo thời tiết. Nhưng ban đêm phải đảm bảo nhiệt độ không dưới 22 độ C.
- Phải cho ăn thức ăn đủ chất. Đặc biệt là đạm phải đủ 22% (thức ăn khởi động). Cho gia cầm ăn nhiều lần, mỗi lần một ít. Nên cho chúng ăn ngay sau khi đưa vào quây úm và sau khi được uống nước thuốc. Nên cho gia cầm ăn càng sớm càng tốt.
- Đối với gà, phải nhỏ ngay vacxin Gumboro A hoặc 228E và ND-IB vào mồm, mũi. Nếu đã dùng rồi thì vẫn phải nhắc lại, không phụ thuộc vào thời gian trước đó đã dùng. Đối với vịt, ngan thì nhỏ mồm ngay vacxin chống viêm gan.
Phòng ngừa hiện tượng khô mỏ ở gia cầm
Làm đúng quy trình vận chuyển, úm gà, vịt, ngan như sau.
- Khi vận chuyển phải có xe chuyên dụng, tránh gió, tránh rét, tránh ướt.
- Về đến cơ sở chăn nuôi đã chuẩn bị sẵn quây, chuồng úm với đủ các điều kiện. Quây úm có đèn, có đủ nhiệt 37 độ C, có đủ máng ăn, máng uống, chất độn khô. Sau khi uống đủ nước 10-15 phút thì cho gia cầm ăn. Chú ý phải đủ số mẹt, máng ăn để sao cho tất cả gà, vịt, ngan được ăn cùng một lúc. Thức ăn phải đủ 22% đạm và đủ chất dinh dưỡng, khoáng và vitamin. Nguyên tắc cho gia cầm ăn là cho ăn ít một, chia làm nhiều lần
- Trong ngày đêm, nuôi úm phải thực hiện nuôi 3 ca (tức 24/24 giờ).