Cá chim vây vàng là một loại hải sản phổ biến, được nhiều người ưa thích, phù hợp với thị hiếu của hầu hết người tiêu dùng hiện nay. Ngoài ra, loài cá này tiêu thụ tốt thức ăn công nghiệp, tốc độ sinh trưởng nhanh, thích hợp nuôi trong lồng bè hoặc trong ao, đầm nước mặn, lợ. Trong kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng cần lưu ý một số tiêu chí nhất định. Dưới đây là phần giới thiệu của chúng tôi về một số kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá chim vây vàng mang lại hiệu quả cao.
Đặc điểm sinh học của cá chim vây vàng
Cá chim vây vàng còn được gọi với tên khác là cá sòng mũi hếch. Loài cá này có thể sống ở môi trường nước có độ mặn từ 2‰ đến 45‰. Với độ mặn dưới 20‰, cá sinh trưởng khá nhanh. Còn trong điều kiện độ mặn cao, tốc độ phát triển của cá lại chậm hơn.
Tại giai đoạn trưởng thành, cá chim thường được bắt gặp ở vùng nước có độ mặn trong khoảng 30 đến 37‰. Nhưng ở giai đoạn còn nhỏ, chúng xuất hiện ở những vùng có khoảng dao động độ mặn rộng hơn, từ 9 đến 5‰. Hiện nay, việc nuôi cá chim trắng vây vàng khá phát triển ở một số địa phương thuộc Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận…
Tiêu chí để xây dựng ao nuôi
Nơi có giao thông và địa hình thuận tiện. Có chất đất là đất sét hoặc sét pha cát và có nguồn nước cấp chủ động quanh năm. Điều kiện tốt nhất để nuôi cá chim vây vàng là nhiệt độ trong khoảng 26 – 320C, độ mặn từ 10 – 20%, ôxy hòa tan 5 – 7 mg/lít, NH3 < 0,9 mg/lít. Ao nuôi có diện tích từ 2.000 – 5.000 m2 là thích hợp. Ao có hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật. Độ sâu của ao từ 1,2 – 1,5 m. Ao có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Đáy ao bằng phẳng, hơi nghiêng về phía cống thoát.
Trước khi thả nuôi khoảng 2 tuần, cần tháo cạn nước, cày xới lớp đất mặt đáy ao, bón vôi với lượng 1.000 – 1.500 kg/ha, tùy theo độ chua, sau đó phơi ao từ 1 – 2 tuần. Cấp nước vào ao nuôi qua lưới lọc có kích thước mắt lưới 2,5 mm.
Chọn giống khỏe mạnh, tốt và tiến hành thả giống
Chọn giống khỏe mạnh, không dị hình, không có dấu hiệu mắc bệnh; bơi lội linh hoạt, ngược chiều dòng chảy; có kích thước đồng đều, cỡ giống khoảng 8 – 10 cm, mật độ thả 1 – 2 con/m2 tùy vào điều kiện đầu tư, chăm sóc. Thời gian thả giống vào khoảng tháng 3, tháng 4 trong năm. Trước khi thả tắm cá bằng nước ngọt hoặc fomaline, nồng độ 20 ppm trong 10 – 15 phút. Trong quá trình tắm cần quan sát và cung cấp đủ ôxy, nếu cá có biểu hiện sốc cần giảm nồng độ thuốc hoặc rút ngắn thời gian tắm cá. Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Thức ăn nuôi cá chim vây vàng và cách cho ăn
Sử dụng thức ăn viên dạng nổi, loại chuyên dùng cho nuôi cá nước lợ, mặn có hàm lượng đạm 40 – 45%, hàm lượng lipid 12 – 15%, không sử dụng thức ăn kém chất lượng, thức ăn bị ẩm mốc. Khi cá mới thả cho ăn với khẩu phần 3 – 5% trọng lượng thân, khi trọng lượng cá trên 90 g cho ăn với khẩu phần 2 – 3% trọng lượng thân, cá trên 250 g cho ăn với khẩu phần 1,5 – 2%. Để hạ giá thành sản phẩm có thể dùng cá tạp băm nhỏ làm thức ăn cho cá chim vây vàng.
Sử dụng sàng ăn bằng khung nhựa hoặc tre, gỗ để cho cá ăn. Cho cá ăn ngày 2 lần vào 7 – 8 giờ sáng và 17 – 18 giờ chiều. Vào những ngày nhiệt độ nước dưới 220C hoặc trên 320C giảm 50% lượng thức ăn; những ngày nhiệt độ nước dưới 170C hoặc trên 360C, cho cá nhịn ăn. Cần quan sát khả năng bắt mồi của cá và lượng thức ăn thừa trong sàng ăn. Từ đó điều chỉnh lượng thức ăn một cách thích hợp nhất.
Định kỳ thay nước 1 tháng/lần vào những lúc chất lượng nước thủy triều tốt nhất. Tránh thay nước vào đầu con nước. Mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước ao nuôi. Định kỳ sử dụng men vi sinh hoặc chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước ao nuôi.
Quy trình chăm sóc từ tháng nuôi thứ 2
Từ tháng nuôi thứ 2 cần quạt nước hoặc sục khí để tăng hàm lượng ôxy hòa tan. Thời gian quạt nước khoảng 5 – 8 giờ/ngày vào khoảng 23 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Vào những ngày thời tiết thay đổi, bất thường hay những thời điểm nắng nóng kéo dài cần tăng cường thời gian chạy quạt nước.
Định kỳ bổ sung Vitamin C, Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng, chống sốc cho cá nuôi. Đặc biệt vào những thời điểm trước khi giao mùa hay trước những đợt nắng nóng. Kiểm tra tốc độ tăng trưởng và tình hình bệnh cá để có chế độ điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp và biện pháp xử lý bệnh kịp thời.
Thu hoạch
Sau 10 – 12 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm có thể tiến hành thu hoạch. Cho cá nhịn ăn 1 ngày trước khi thu hoạch. Không thu cá vào những lúc trời nắng to hoặc những ngày thời tiết âm u. Cá có thể vận chuyển tươi sống trong 7 – 8 giờ với mật độ < 50 kg/m3.