Trong thời gian vừa qua, nhu cầu về thịt lươn được nhận định ở mức cao và khá ổn định. Chính điều này đã khiến nhiều bà con quyết định nuôi lươn. Hơn nữa vì chi phí đầu tư nuôi lươn không quá cao nên nó khá phù hợp với phần đông người dân Việt. Tuy nhiên việc thời tiết thay đổi thất thường đã khiến cho lươn dễ nhiễm bệnh hơn. Vậy ở lươn đồng có những căn bệnh nào thường gặp nhất? Cách điều trị hiệu quả ra sao? Chúng ta hãy cùng lưu tâm một số vấn đề được chia sẻ trong bài viết này nhé.
Bệnh lở loét trên lươn
– Nguyên nhân: Bệnh lở loét ở lươn xảy ra khi lươn bị sây sát. Khi đó các vi khuẩn, ký sinh trùng sẽ bám vào vết thương và sinh sống. Chúng phát triển dần thành những vết loét lớn.
– Triệu chứng: Trên mình lươn xuất hiện những vết hình tròn hoặc bầu dục màu đỏ xen lẫn với các vùng da bị giập nát. Da lươn bị lở loét còn gọi là bệnh đóng dấu. Nếu bệnh nặng, đuôi lươn sẽ bị rụng, bơi lội khó khăn. Đầu lươn thường ngóc lên khỏi mặt nước để thở, lươn mệt mỏi, yếu dần rồi chết. Bệnh này thường xảy ra vào tháng 5 – 9.
– Điều trị:
+ Xử lý thuốc ngoại ký sinh trùng: Trước nuôi nên sát trùng bể bằng vôi, Fomandehit, Thuốc tím…. Tắm cho lươn trước khi thả nuôi bằng dung dịch nước muối 200-300g muối pha với 10 lít nước tắm cho lươn 15-20 phút. Phun thuốc Streptomycin hoặc Oxytetracyclin ở toàn bể mùa mắc bệnh liều lượng ( 250 g / 100 m3 nước)
+ Trộn thuốc trị nội ký sinh: Flophenicol hoặc Enrofloxacin,… + Vitamin C + Giải độc gan thận BIO-LIVER vào thức ăn dùng liên tục trong vòng 5-7 ngày.
Bệnh tuyến trùng do ký sinh trùng gây nên
– Nguyên nhân: Do ký sinh trùng đường ruột gây nên. Tuyến trùng có màu trắng, dài khoảng 1cm, đầu bám vào niêm mạc phá hoại mô, hình thành bào nang gây viêm ruột sưng đỏ.
– Triệu chứng: Lươn bị viêm ruột sưng đỏ, rối loạn tiêu hóa. Nếu nhiễm khối lượng lớn thì lươn sẽ yếu, hậu môn sưng đỏ. Đôi khi bị nặng lươn sẽ hoạt động yếu ớt, kiệt sức và chết dần.
– Điều trị:
– Trộn thuốc trị nội ký sinh: Thuốc trị nội ký sinh trùng chuyên dụng vào thức ăn, cho ăn liên tục 3 ngày.
– Vớt lươn chết khỏi ao, thay nước, thay đất nếu ô nhiễm nặng.
Bệnh nấm thủy mi và bệnh đỉa bám
– Bệnh nấm thủy mi
+ Nguyên nhân: Bệnh do ký sinh trùng trên mình hay trứng lươn gây ra.
+ Triệu chứng: Những sợi nấm bám chặt vào da lươn, hút chất dinh dưỡng, làm lươn mất máu, yếu dần rồi chết. Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh.
+ Điều trị: Xử lý thuốc trị nấm, ký sinh trùng: Đồng sufate 7-10gr/m3 liên tục 3 lần, ngày 1 lần hoặc có thể dùng nước muối 200-300g muối pha 10 lít nước tắm cho lươn 15-20 phút.
– Bệnh đỉa bám
+ Nguyên nhân: Do đỉa bám vào phần đầu lươn và hút máu làm vi trùng xâm nhập gây viêm nhiễm.
+ Triệu chứng: Đỉa bám vào phần đầu lươn, phá hoại mô bì, hút máu lươn khiến cho vi trùng xâm nhập gây viêm nhiễm, lươn yếu, kém ăn, ảnh hưởng đến sinh trưởng của lươn.
+ Điều trị: Dùng vôi sống để vệ sinh khu nuôi, rắc vôi để giết chết đỉa, thay nước mới vào và xử lý tiếp bằng dung dịch Sulphate đồng nồng độ 100 ppm (10 lít nước + 1g Sulphate đồng) ngâm rửa 5-10 phút. Khi đỉa ngoi lên mặt nước, vớt bỏ và thay nước mới cho lươn.
Bệnh viêm ruột
– Nguyên nhân: Bệnh do khuẩn aeromonas (khí đơn bào) dạng chấm vi khuẩn gây nên
– Triệu chứng lâm sàng: Lươn bị bệnh tách đàn bơi riêng lẻ, bơi chậm, thân lươn phát đen, phần đầu là rõ hơn, phần bụng xuất hiện ban đỏ, ăn giảm. Phẫu thuật ruột có thể thấy đường ruột cục bộ xuất huyết phát viêm, trong ruột không có thức ăn. Ấn nhẹ phần bụng có dịch màu vàng hoặc màu đỏ tiết ra.
– Phương pháp dự phòng:
+ Tăng cường quản lý ao nuôi, không cho ăn thức ăn biến chất, kịp thời loại trừ thức ăn thừa.
+ Dùng vôi bột 30g/mét khối nước làm sạch ao tiêu độc.
+ Khi phát hiện lươn chết phải ngừng cho ăn và dùng tetramycin để tiêu độc.
– Phương pháp trị liệu: Kết hợp dùng thuốc trong và dùng ngoài. Dùng ngoài thường dùng bột tẩy hoặc vôi bột xả toàn ao. Bột compound sulfadiafine trộn thức ăn cho ăn, lượng 1 lần, mỗi kg thể trọng 0,3g (tính theo 5% lượng thức ăn, mỗi kg thức ăn dùng thuốc này 6g) mỗi ngày 2 lần, dùng liền 5 – 7 ngày, lượng dùng lần đầu gấp đôi. Bột địa miên thảo trộn thức ăn cho ăn, mỗi kg thể trọng 5 – 10g, dùng liền 5 – 7 ngày.
Bệnh sốt nóng ở lươn đồng
– Nguyên nhân: Do mật độ nuôi dày, oxy hòa tan thấp, thức ăn thừa làm môi trường ô nhiễm.
– Triệu chứng: Khi môi trường quá bẩn, lươn mất cân bằng sinh lý, cơ thể tiết nhiều dịch nhầy. Lươn bị xáo động trong bể, cuốn nhau thành từng búi và làm nhiệt độ từng tầng tăng cao, đầu lươn sưng phồng to, chết hàng loạt.
– Điều trị
+ Giữ môi trường nước luôn sạch, giảm mật độ nuôi, san lươn sang bể khác, phân đàn lươn, thay nước, thêm nước sạch vào bể, nâng cao mực nước trong bể, thả bèo, che mát, thả 10-15 con cá chạch để ăn thức ăn thừa và đề phòng lươn cuốn vào nhau.
+ Xử lý định kỳ bằng men vi sinh đáy HC-BIO
+ Phun dung dịch Đồng sunfate 0.07% tức 7g CuSO4 Pha 10lít nước (dùng 5ml dung dịch CuSO4/m3 nước).
+ Vớt lươn chết khỏi ao, thay nước, thay đất nếu ô nhiễm nặng.
Bệnh lươn bị nát đuôi
– Nguyên nhân: Do lươn đã bị thương hoặc bị lươn khác cắn, chỗ vết thương sẽ bị vi khuẩn xâm nhập.
– Triệu chứng: Lươn có đuôi bị sây sát, dập nát, tụ huyết, nhiễm trùng nặng, có con tuột cả thịt để lồi xương sống.
– Điều trị:
+ Tắm cho lươn bằng dung dịch nước muối 200-300g muối pha với 10 lít nước tắm cho lươn 15-20 phút hoặc dùng KMnO4, Fomandehit tắm cho lươn. Phun thuốc Streptomycin hoặc Oxytetracyclin ở toàn bể liều lượng ( 250 g / 100 m3 nước)
+ Trộn thuốc trị: Flophenicol hoặc Enrofloxacin + Vitamin C + Giải độc gan thận BIO-LIVER vào thức ăn dùng liên tục trong vòng 5-7 ngày
+ Loại bỏ những con bị bệnh ra khỏi chỗ nuôi và vệ sinh liên tục.
Bệnh xuất huyết nhiễm trùng máu
– Triệu chứng: Lươn bị bệnh có hiện tượng tụ máu, tấy đỏ trên vùng thân, đặc biệt là ở vùng bụng. Miệng sưng và đỏ tím, đôi khi thấy máu chảy ra ở miệng. Bơi không bình thường, chao đảo điên cuồng và ngóc lên mặt nước quẫy mạnh, sau một thời gian là chết.
– Điều trị
+ Thay nước sạch vào, diệt khuẩn môi trường nước
+ Tắm cho lươn bằng các dung dịch sát khuẩn như KMnO4, Fomandehit, nước muối
+ Trộn thuốc trị: Flophenicol hoặc Enrofloxacin + Vitamin C + Giải độc gan thận BIO-LIVER vào thức ăn dùng liên tục trong vòng 5-7 ngày.
+ Loại bỏ những con bị bệnh ra khỏi chỗ nuôi và vệ sinh bể nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi.
Trên đây là một số căn bệnh ở lươn đồng thường gặp nhất. Hy vọng chia sẻ của chúng tôi đã giúp ích cho các bạn.