Bí đao hay còn gọi là bí đao xanh (bí sặt) là loại cây rau phổ biến của mùa hè, có khả năng cất trữ bảo quản lâu trong điều kiện nhiệt độ thường. Bí đao chính vụ được trồng ở mùa vụ từ tháng 12 năm trước và đến đầu tháng 3 năm sau. Tuy nhiên bí đao có thể trồng trái vụ; ở vụ đông từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Kỹ thuật trồng bí đao trái mùa không khó, mặc dù năng suất bí vụ đông không cao như trồng chính vụ nhưng bán được giá nên vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Bí đao – Loại cây quen thuộc của người dân Việt Nam
Bí đao là loài thực vật thuộc họ Bầu bí dạng dây leo, trái ăn được, thường dùng nấu lên như một loại rau. Bản địa của bí đao là vùng Đông Nam Á nhưng nay phổ biến trồng khắp từ Nam Á sang Đông Á. Cây bí đao cần sức nóng mới mọc nhưng trái của nó thì chịu được nhiệt độ thấp, có thể để qua mùa đông mà không hư mặc dù dây bí đao chỉ mọc năm một, đến đông thì tàn. Lá bí đao xòe, hình bầu có lông giáp, bề ngang 10–20 cm. Hoa bí đao sắc vàng, mọc đơn.
Khi còn non, quả bí đao màu xanh lục có lông tơ. Với thời gian quả ngả màu nhạt dần, lốm đốm “sao” trắng và thêm lớp phấn như sáp. Quả bí đao già có thể dài đến 2 m, hình trụ, trong có nhiều hạt dáng dẹp. Bí đao thường trồng bằng giàn nhưng cũng có thể để bò trên mặt đất như dưa.
Kỹ thuật trồng bí đao trái mùa hiệu quả cao
Thời vụ trồng bí trái mùa
Vụ đông có thể gieo trồng từ 1/9 – 5/10 hàng năm trên chân mạ mùa, đậu tương hè, lúa mùa sớm. Tuy nhiên, nếu gieo trồng sớm từ 1- 20/9 thì sẽ cho năng suất cao và ổn định hơn. Bí đao có 2 giống chủ yếu. Giống bí đanh quả nhỏ hơn (dài 60 – 80cm, trọng lượng 2 –3kg), quả đặc ít lõi, ăn ngon hơn bí bộp. Bí bộp quả to ngắn hoặc dài, trọng lượng quả lớn 4 – 6kg, nhiều lõi.
Cách ngâm ủ hạt giống bí đao
Ngâm hạt trong nước lã sạch từ 4 – 6 giờ, đãi sạch nước chua. Trộn lẫn với cát tỷ lệ: 1 hạt/3 – 4 cát, gói kín trong vải xô ủ kín, ngày dấp nước 2 lần, khoảng 1 – 2 ngày hạt nứt nanh, đem gieo thẳng hoặc gieo trong khay nhựa, vỉ xốp, bầu nilon.
Kỹ thuật làm bầu đất gieo giống
Đất làm bầu là hỗn hợp phân chuồng (hoặc mùn mục) trộn đất phù sa (hoặc đất bùn ải) tỷ lệ 1:1. Bón thêm 1kg urê + 1,5 kg lân, 1,5 kg kali cho 1000kg hỗn hợp đất làm bầu trên. Có điều kiện nên xử lý hỗn hợp bằng một số loại thuốc trừ nấm trước khi đưa hạt vào khoảng 10 ngày.
Sử dụng túi nylon (phải cắt 2 góc phía dưới để dễ tiêu thoát nước), lá chuối, hoặc khay kích thước tuỳ theo thời gian đưa ra ruộng để đựng hỗn hợp làm bầu. Nếu trồng nhiều có thể làm như làm bầu ngô. Khi gieo hạt xong phải phủ một lớp đất mỏng kín hạt, sau đó phủ một lớp trấu mục hoặc mùn mục, tưới đều 5-7 ngày cho hạt mọc đều. Khi cây bắt đầu có lá thật đưa ra ruộng là tốt nhất.
Kỹ thuật làm đất trồng bí đao
Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu. Cách ly khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện từ 1- 2km. Với chất thải thành phố ít nhất 200m. Cách xa đường quốc lộ ít nhất 100m. Không tồn dư hóa chất độc hại, dư lượng kim loại nặng rất nhỏ để đảm bảo đủ tiêu chuẩn là rau an toàn cho người tiêu dùng.
Bí xanh có thể trồng xen, trồng riêng biệt do vậy cách làm đất có khác nhau. Sau khi thu hoạch cây trồng phụ thì làm đất bổ sung vun luống chính thức cho bí. Kích thước luống bí phụ thuộc vào việc làm giàn cho cây. Nếu có giàn làm luống rộng 1,2 – 1,4m, nếu để bò trên đất mặt luống rộng: 2,7 – 3m.
Cách bón phân và chăm sóc bí
Lượng phân bón cho 1 sào bí xanh như sau: Phân chuồng hoai mục 6 – 7 tạ, đạm urê 5 – 6kg, kaliclorua 6 – 8kg, supe lân Lâm Thao 12 – 15kg. Đất chua (độ pH <5) bón thêm 20 – 25kg vôi bột khi bừa ngả.
Khi cây có 2-3 lá thật, xới phá váng, kết hợp bón thúc, vun nhẹ cho cây. Bón thúc lần 2 cây có bắt đầu ngả ngọn bò hoặc leo giàn, xới rộng, sâu kết hợp bón thúc 25% đạm + 25% kali cho cây. Bón thúc lần 3 khi đậu quả rộ bón nốt lượng phân còn lại.
Khi dây dài 50cm, dùng đất chặn ngang đốt, cách 1-2 đốt lại chặn để tranh thủ cho cây bí ra rễ bất định, tăng khả năng thu hút chất dinh dưỡng nuôi quả sau này, cứ 3-4 ngày lại chặn 1 lần, phải hướng ngọn bí ở hốc này bò sang hốc kia, sau đó mới nương dây cho leo giàn. Khi nương dây cho leo giàn cần để dây ở tư thế tự nhiên, không lật úp hoặc vặn dây.
Dùng rơm rạ, dây chuối buộc ngọn vào giàn. Chú ý buộc ở phía nách lá. Bắt dây chéo cho đều giàn và khỏi che rợp hoa quả. Giàn cắm chéo như mái nhà để tranh thủ không gian, tận dụng hợp lý ánh sáng. Mỗi cây để 1-2nhánh chính. Đặt cho cuống quả nằm đúng vào chỗ giao nhau của 2 cây dóc để khi quả lớn không xô dây, tụt giàn. Với ruộng bí không làm giàn thì cần phải lót rơm rạ để tránh quả tiếp xúc trực tiếp với đất.
Thường xuyên theo dõi, phòng trừ sâu bệnh cho bí
Bí xanh thường bị một số loại sâu gây hại như: sâu vẽ bùa, rệp, sâu xanh… và một số bệnh thường gặp: héo xanh, thối đốt cây, sương mai, phấn trắng… Thường xuyên chú ý theo dõi để phát hiện và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của bảo vệ thực vật.
Mẹo thu hoạch, bảo quản bí đúng cách
Khi quả được 50-60 ngày tuổi là thu hoạch được. Bí non có thể thu ở giai đoạn 25-35 ngày tuổi (sau khi đậu). Thu vào sáng sớm, cần nhẹ nhàng tránh bị xây xát. Quả già thu về có thể xếp thành hàng, lớp để nơi thoáng mát bảo quản. Có thể bảo quản trong vòng 1 tháng mà không ảnh hưởng lớn đến chất lượng.