Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học được gọi tắt là ATSH. Đây là biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đối với chăn nuôi gia cầm. Cụ thể đây là việc áp dụng tổng hợp sau đó đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý trong chăn nuôi. Biện pháp này nhằm mục đích ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gia cầm với các mầm mống gây bệnh. Vậy để công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm một cách hiệu quả hơn, người chăn nuôi cần nên thực hiện tổng hợp các biện pháp khi chăn nuôi gia cầm. Cùng chúng tôi học ngay một số biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm bên dưới nhé.
Lưu ý khi chọn giống
– Con giống phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không có khuyết tật (khèo chân, hở rốn, vẹo mỏ…)
– Chỉ mua con giống ở các cơ sở chăn nuôi không có dịch bệnh (Có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển). Giống mới mua về phải nuôi cách ly với đàn cũ ít nhất 01 tuần
Lưu ý: Nếu tự sản xuất con giống, không chọn giống trống và mái nở ra trên cùng đàn để nuôi sinh sản vì dẫn đến hiện tượng cận huyết ở đời sau.
Quy định, yêu cầu về chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi
– Chuồng trại phải thoáng mát, khô ráo sạch sẽ. Tránh gió lùa, tránh tác động mạnh.
– Nuôi gia cầm trong nông hộ cần có chuồng, xung quanh vườn phải có hàng rào bao quanh. Không được thả rông gia cầm.
– Chuồng nuôi phải cách ly với nhà ở. Không nhốt chung gia cầm trong khu chuồng nuôi trâu, bò, lợn. Và không nuôi chung các loại gia cầm với nhau.
– Trước chuồng nuôi có khay chứa hoặc hố sát trùng.
– Không để các phương tiện đi lại, phương tiện vận chuyển (xe máy, xe đạp, xe cút kít…) cạnh chuồng nuôi
– Cần có đầy đủ máng ăn, máng uống. Nếu nuôi sinh sản phải bố trí chỗ đẻ; và ổ đẻ cho phù hợp với từng giống gia cầm nuôi.
Yêu cầu về nguồn thức ăn và nước uống
– Nuôi gia cầm nhốt hoàn toàn hoặc vừa nhốt vừa thả đều phải cho ăn thức ăn tinh hàng ngày theo nhu cầu dinh dưỡng của loại giống, lứa tuổi.
– Không cho gia cầm ăn thức ăn mốc, ôi thiu. Hoặc những thức ăn có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang bị dịch bệnh.
– Không dùng thức ăn quá hạn sử dụng.
– Không để đàn gia cầm uống nước bẩn.
– Không cho gia cầm uống nước lạnh dưới 80C hoặc nóng trên 300C.
Hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng
– Đối với gia cầm giai đoạn “úm” là rất quan trọng (giai đoạn “úm”: tính từ khi gia cầm nở đến khoảng 15-20 ngày). Vì vậy cần có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng đặc biệt.
+ Về nhiệt độ: Phải đủ ấm. Trong 3 ngày đầu nhiệt độ trong quây từ 30-350C; những ngày sau nhiệt độ giảm mỗi ngày 10C cho đến khi nhiệt độ đạt 20-250C. Hoặc có thể quan sát sự phân tán đàn gia cầm trong quây úm để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.
+ Về ăn, uống: Cho gia cầm ăn hỗn hợp đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng giai đoạn, lứa tuổi của từng đối tượng và phương thức, mục đích chăn nuôi gia cầm nuôi.
– Sau 02 tuần, nếu thời tiết ấm có thể thả gia cầm ra vườn, ra ao (nếu nuôi theo hình thức chăn thả) có hàng rào bao quanh. Cung cấp đầy đủ nước sạch và thức ăn tinh cho đàn gia cầm.
– Nếu nuôi gia cầm sinh sản thì thu nhặt trứng ít nhất 02 lần/ngày. Bảo quản trứng nơi thoáng mát, khô ráo, sạch sẽ.
– Hàng ngày vệ sinh sát trùng máng ăn, máng uống sạch sẽ.
– Trước khi vào khu vực nuôi gia cầm, người chăn nuôi phải rửa tay chân sạch sẽ và mặc quần áo bảo hộ.
Hướng dẫn cách vệ sinh phòng bệnh
– Hạn chế người và động vật ra vào khu chăn nuôi, dùng lưới ngăn không cho gia cầm tiếp xúc với chim hoang dã.
– Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng nuôi.
– Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh cho gia cầm theo quy định (đặc biệt cần phải tiêm phòng triệt để vắc xin Cúm gia cầm như: H5N1; H5N6, …) .
Khi gia cầm có triệu chứng bỏ ăn, ủ rũ phải báo ngay cho nhân viên thú y.
– Sau khi xuất bán gia cầm, cần vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi, khu vực chăn nuôi, vườn chăn thả.
– Thu gom phân thải đánh đống ủ kỹ (từ 15-30 ngày) để tiêu diệt mầm bệnh.
– Để trống chuồng nuôi ít nhất 15 ngày trước khi đưa đàn gà mới vào thả nuôi. Nếu bị dịch bệnh thì phải để trống chuồng ít nhất 3 tháng.
Phòng chống bệnh gia cầm
Thường xuyên quan sát đàn gia cầm để sớm phát hiện, thải loại những gia cầm ốm, yếu ra khỏi đàn và xử lý. Đồng thời điều trị nếu cần thiết.
Khi thấy gia cầm có hiện tượng ốm, chết nghi mắc cúm gia cầm; phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương. Thực hiện tốt nguyên tắc “5 Không” (Không chăn thả rông gia cầm; Không mua, bán gia cầm bị bệnh; Không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; Không giấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi).
Khi nào gia cầm cần nên bị tiêu hủy?
– Đàn gia cầm phát hiện mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao;
– Đàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh mà chưa được tiêm phòng vắc-xin cúm. Đồng thời đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao.
– Việc tiêu hủy gia cầm phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính vi rút cúm A/H5N1 hoặc A/H5N6 hoặc A/H5N8 hoặc chủng vi-rút cúm có khả năng truyền lây bệnh và gây tử vong cho người. Hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận là mắc bệnh Cúm gia cầm.
Bao vây ổ dịch, tiêu huỷ toàn bộ gia cầm chết, mắc bệnh và gia cầm khác trong đàn bằng cách đốt hoặc đào hố chôn sâu với chất sát trùng hoặc vôi bột. Tổng vệ sinh toàn bộ khu vực, thực hiện biện pháp để trống chuồng nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Tại sao phải lo ngại cúm gia cầm?
Virus cúm rất không ổn định và có khả năng đột biến rất nhanh. Nó có khả năng lây nhiễm từ động vật này sang động vật khác. Các nhà khoa học lo ngại là virus cúm gia cầm có thể tiến hóa thành một dạng dễ lây từ người sang người. Từ đó làm lây bệnh nhanh chóng và là một bệnh nguy hiểm chết người. Điều này có thể xảy ra nếu một người nào đó đã bị nhiễm virus cúm người sau đó lại nhiễm virus cúm gia cầm. Hai loại virus này sẽ tái tổ hợp trong cơ thể bệnh nhân. Điều này gây ra một virus lai có thể lây lan nhanh từ người sang người.
Loại virus lai này loài người chưa bao giờ tiếp xúc. Vì vậy không có miễn dịch và có thể gây đại dịch như đã xảy ra đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 đã giết chết 40-50 triệu người trên toàn thế giới.