Những năm gần đây, căn bệnh u sần, u nang bạch huyết trên cá bớp được nhận định là xuất hiện nhiều hơn. Chứng bệnh này đã gây nên những tổn thất khá nặng nề cho người nuôi. Đứng trước thực trạng trên có thể nói việc người nuôi chủ động tìm hiểu thông tin để kịp thời có hướng xử lý là vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ đôi nét về nguyên nhân cũng như cách điều trị của bệnh u sần trên cá bớp. Mọi người hãy theo dõi và đừng bỏ lỡ những kiến thức hữu ích này nhé.
Nguyên nhân gây bệnh u sần trên cá bớp
Hiện nay, cá bớp được nuôi khá phổ biến ở các tỉnh ven biển của nước ta. Loại cá này mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người nông dân. Tuy vậy, cá phải đối diện với nhiều dịch bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus,… gây ra. Một trong số những bệnh trên cá bớp do virus gây ra là bệnh lymphocystic (bệnh u sần).
Lymphocystis là một bệnh mãn tính nhưng hiếm khi gây tử vong. Cá mắc bệnh lymphocystis phát triển các nốt sần lớn ( 0,3 2.0,0 mm hoặc nhiều hơn đường kính). Nó xảy ra chủ yếu trên bề mặt cơ thể nhưng cũng có thể phát triển trên các cơ quan nội tạng. Hầu như các bệnh do virus gây ra đến nay vẫn chưa có thuốc hoặc phương pháp đặc trị hiệu quả.
Bệnh u sần ở cá bớp do Iridovirus gây ra. Đây là những virus có DNA lớn. Virus gây bệnh lymphocystis là một mầm bệnh phổ biến của cá có thể lây nhiễm ở cá biển và cá nước ngọt trên toàn thế giới.
Trong tự nhiên, virus gây bệnh lymphocystis được truyền qua cá do tiếp xúc với các vết thương trên bề mặt với virus có trong nước hoặc do ăn phải virus hoặc các tế bào bị nhiễm virus.
Triệu chứng khi cá bớp bị bệnh u sần

Cá bị bệnh lymphocystis sẽ xuất hiện các khối u nhỏ. Khối u có màu trắng hay hồng trên vây, lưng, đầu cá. Kích thước của các tế bào lymphocystis thay đổi và dao động từ 10 đến 150 mm đường kính. Các tế bào bị nhiễm có hình tròn, hình nón hoặc dị thường.
Đôi khi khối u vỡ gây gây loét và xuất huyết. Bệnh này chỉ gây chết rải rác nhưng sẽ gây ảnh hưởng tới sinh trưởng và giá trị thương phẩm của cá nuôi. Mầm bệnh mất một tuần đến một năm hoặc hơn để phát triển. Sự phát triển tùy thuộc vào loài vật chủ và điều kiện môi trường. Các tổn thương do bệnh này gây ra cuối cùng sẽ lành. Tuy nhiên nó sẽ để lại mô sẹo, gây mất cảm quan cho cá bớp. Bệnh diễn ra nhanh hơn ở nhiệt độ nước ấm hơn.
Tần suất gặp của bệnh lymphocystic ở cá bớp nuôi tại Khánh Hòa là 2/4. Có tới 80% trường hợp bệnh này xuất hiện vào mùa mưa. Bệnh có thể xảy ra ở các cỡ cá khác nhau, nhưng vẫn gặp ở cá con cao hơn. Cụ thể cá con: 40%, cá lớn: 20% và tất cả các cỡ cá: 40%.
Hầu hết các vùng nuôi các bớp ven biển đều có nguy cơ xảy ra. Tuy nhiên khi nguồn nước ô nhiễm, hay thức ăn và con giống kém chất lượng bệnh sẽ dễ xảy ra hơn.
Hướng dẫn cách điều trị khi cá mắc bệnh

Phương pháp điều trị
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hiểu quả cho cá mắc bệnh. Đa số người ta vẫn tập trung vào các phương pháp như tắm cá; cách ly, hay cắt bỏ các u sần bệnh. Bên cạnh đó, cá mắc bệnh lymphocystic cần được loại bỏ hoặc cách lý ngay với bầy đàn.
Trong trường hợp cá có giá trị thành phẩm nhưng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người nuôi có thể phẫu thuật cắt bỏ các u sần. Người nuôi cũng nên sử dụng iodophor pha loãng để sát trùng các vết thương. Tuy nhiên bạn cần cẩn thận khi sử dụng chất diệt khuẩn để tránh làm bỏng da xung quanh nhé.
Phương pháp phòng bệnh
Hiện nay vẫn chưa có vaccin có sẵn để phòng bệnh. Do đó công tác quản lý và kỹ thuật nuôi là rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa khả năng xảy ra bệnh. Người nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:
– Sàng lọc cẩn thận các nguồn cá giống khi nuôi.
– Thường xuyên khử trùng vùng nuôi bằng thuốc tím, chú trọng công tác vệ sinh ao nuôi, lồng bè.
– Cho cá ăn các loại thức ăn an toàn đầy đủ dinh dưỡng, người nuôi có bổ sung vitamin C vào thức ăn để cá tăng sức đề kháng.
– Nuôi cá với mật độ thích hợp, ránh gây áp lực lên cá do bầy đàn quá đông.
– Thường xuyên kiểm tra neo, lưới… để khi cần thì kịp thời bảo dưỡng hoặc thay thế nhằm giảm thiểu rủi ro do hư hỏng. Hàng tháng, tiến hành cân đo mẫu để xác định tốc độ tăng trưởng của cá (chiều dài và khối lượng cá), qua đó xác định được khối lượng đàn cá trong lồng để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý.
Mong rằng những thông tin xúc tích bên trên sẽ giúp bà con chủ động hơn trong việc phòng và điều trị bệnh u sần trên cá bớp.