Một trong những căn bệnh nguy hiểm ở gia cầm mà bà con thường gặp phải chính là hiện tượng gà rù vào mùa đông. Thực chất, căn bệnh này còn có tên gọi khác là bệnh Newcastle. Bệnh có thể lây nhiễm dễ dàng qua cả hai đường tiêu hóa và hô hấp. Hơn nữa, tỉ lệ tử vong do bệnh này gây ra cũng rất cao. Mầm bệnh có thể tồn tại ở cả thức ăn, nước uống, động vật hoang dã hoặc trên cơ thể gia cầm bị bệnh. Vì thế, chỉ cần có một con gà bị bệnh, cả trang trại cũng có thể bị lây nhiễm một cách nhanh chóng.
Nguy hiểm hơn, bệnh Newcastle cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì thế, bà con nông dân cần có biện pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu và vệ sinh chuồng trại thường xuyên để có thể giảm thiểu rủi ro cho dịch bệnh gây ra.
Nguyên nhân gây bệnh gà rù vào mùa đông
Khi chuyển sang mùa thu đông, nhiệt độ xuống thấp cũng là thời điểm bệnh gà rù (Newcastle) thường dễ xuất hiện. Bệnh lây lan qua đường tiêu hóa và hô hấp do tiếp xúc giữa gà ốm và gà khỏe. Hoặc cũng có thể, gà bị lây nhiễm từ phương tiện vận chuyển thức ăn, nước uống nhiễm mầm bệnh Hoặc lý do khác là tiếp xúc với động vật, chim hoang dã mang mầm bệnh. Bệnh Newcastle gây viêm, xuất huyết, loét niêm mạc đường tiêu hóa, nhiễm trùng máu, thần kinh… Vì thế, tỷ lệ tử vong ở gà do bệnh này rất cao. Ngoài ra, bất cứ loại gia cầm nào như gà tây, gà sao, vịt, ngan, bồ câu, chim cút cũng có thể bị nhiễm bệnh này.
Dấu hiệu cho thấy gà đã bị nhiễm bệnh Newcastle
Triệu chứng ban đầu khi gà bị rù là bỏ ăn, đứng khoác áo tơi, chân lạnh, hắt hơi, khò khè, chảy nước mũi nhớt trắng – đỏ. Gà khát nước uống nhiều nước. Diều căng mềm toàn nước, chướng toàn hơi. Gà chảy nước nhớt có dây ở miệng. Chúng thường vươn cổ kêu cho dễ thở. Lúc đầu gà đi phân táo bón, sau đó lại tiêu chảy.Phân có màu trắng, xanh (phân cứt cò), có bọt hoặc máu. Gà ủ rũ, xã cánh, ít ăn, phân màu trắng xanh. Gà biểu hiện khó thở, thở hắt và ngáp. Tỷ lệ chết 75 – 100%. Số còn lại ở thể bệnh mãn tính với biểu hiện triệu chứng thần kinh đi vòng tròn, mổ không trúng thức ăn.
Khi tiến hành mổ khám, chúng ta có thể phát hiện xuất huyết ở cơ quan tiêu hóa và cơ quan hô hấp. Dạ dày tuyến xuất huyết ở đỉnh lỗ tuyến. Ruột viêm loét, nỏi gồ hình cúc áo. Trực tràng, hậu môn xuất huyết. Thanh khí quản xuất huyết. Phổi viêm túi khí đục.
Phương pháp phòng bệnh Newcastle ở gà
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị bệnh Newcastle. Vì vậy phòng bệnh được coi là phương pháp chữa trị, phòng ngừa hàng đầu. Trong đó vệ sinh thú y và tiêm phòng vaccine đầy đủ có thể đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Cách ly đàn gà và vệ sinh chuồng trại
Cụ thể, bà con cần cách ly tốt đàn gà, trại gà. Đồng thời, thực hiện tốt quy trình nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng gà và trại. Chú ý cho gà tiêm phòng kịp thời và đầy đủ theo lịch hướng dẫn cho đàn gà nuôi. Bà con không nên nuôi chung gà các lứa tuổi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải luôn chú ý đến khâu vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng trại.
Tiêm ngừa vaccine cho gà
Bên cạnh đó, đàn gà cũng cần được phòng bệnh bằng vaccine. Bà con nên dùng vaccine Lasota nhỏ mắt mũi lúc 3 – 7 ngày tuổi, 21 ngày tuổi. Tiêm vaccine Newcastle hệ I lúc 60 ngày tuổi và 135 ngày tuổi. Hoặc cách khác là sử dụng vaccine Newcastle chịu nhiệt pha nước cho uống theo hướng dẫn của thú y. Cần chú ý đến tác dụng, thời hạn của loại vaccine này. Khi đến thời điểm phải dùng ngay và hết thời hạn thì phải dùng tiếp để gà có thể miễn dịch bền vững.
Kiểm tra sức khỏe của đàn gia cầm thường xuyên
Thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe đàn gia cầm. Đặc biệt chú ý phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi. Ví dụ như uể oải, ủ rũ, kém ăn. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường. Khi nghi ngờ gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, phải báo ngay cho thú y viên hoặc khuyến nông viên cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời. Từ đó, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Khi có gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu, rắc vôi bột. Tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.
Làm thế nào khi phát hiện gà bị nhiễm bệnh Newcastle?
Khi có dịch xảy ra, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Bao vây ổ dịch không cho lây lan. Cách ly khu có dịch với các khu khác, có người nuôi dưỡng riêng. Nghiêm cấm sự tiếp xúc của người, súc vật từ nơi khác đến. Tức là “nội bất xuất ngoại bất nhập”.
- Chọn và loại triệt để gà bệnh, nghi bệnh. Xử lý gà loại, gà chết theo chỉ đạo hướng dẫn của cán bộ thú y. Không bán chạy, không ăn thịt gà bệnh. Gà ốm, chết phải chôn sâu, rắc vôi bột và phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng nuôi, sân thả, dụng cụ và các khu vực xung quanh.
- Tiêm phòng cho gà khỏe vào thẳng ổ dịch. Nhỏ Lasota cho gà con dưới 1 tháng. Gà trên 30 ngày thì tiêm vaccine Newcastle hệ I. Sau 1 tuần tiêm vaccine mà gà không chết là đã có thể yên tâm.
- Tăng cường, chăm sóc nuôi dưỡng đàn gà bằng thức ăn chất lượng tốt, tổng vệ sinh chuồng trại, thiết bị dụng cụ chăn nuôi.
- Ðể đề phòng bệnh thứ phát xâm nhập, cần cho liều kháng sinh nhẹ và bổ sung vitamin (ăn thêm rau xanh non) trong 7 – 10 ngày.
- Chăn nuôi gà thả ở gia đình khi thấy có gà lù rù là phải nhốt cách ly ngay và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho toàn đàn.