Bệnh ghẻ ở heo là một bệnh ngoài da do ngoại ký sinh trùng gây ra. Khi bị nhiễm ghẻ, da của heo sẽ xuất hiện các nốt đỏ khiến heo ngứa ngáy và chà xát da vào tường. Điều này khiến vùng da bị viêm dễ dàng lan rộng. Thậm chí, heo còn có khả năng bị nhiễm trùng và hình thành mụn mủ ở những vùng bị ghẻ. Bệnh tuy rất dễ chữa trị nhưng lại có thể gây thiệt hại kinh tế cho bà con chăn nuôi. Hơn nữa, bệnh ghẻ cũng thường bị nhầm lẫn với các hiện tượng bỏng nắng hay dị ứng. Vì vậy, bà con dễ chủ quan và không kịp chuẩn bị các biện pháp chữa trị, phòng ngừa kịp thời.
Vậy, làm thế nào để phân biệt được bệnh ghẻ ở heo với các bệnh lý khác? Đó là quan sát hiện tượng lây lan nhanh chóng ở đàn heo. Hơn nữa, heo khi bị nhiễm ghẻ sẽ rất ngứa. Chúng liên tục cọ sát vào tường và đặc biệt ngứa vào ban đêm. Vì thế, khi phát hiện ra điều này, bà con cần nhanh chóng sử dụng các loại thuốc đặc trị cho đàn heo. Đồng thời có phương pháp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và nhanh chóng.
Các triệu chứng cho thấy heo đã bị ghẻ
Ghẻ là bệnh ngoài da rất phổ biến ở heo. Bệnh do Sarcoptes scabiei suis gây ra. Đây là ngoại ký sinh trùng gây bệnh quan trọng nhất của heo. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác nữa như ve rận, bọ chét và nấm.
Ngoại ký sinh trùng này đào hang ở da. Chúng hút dịch viêm và ăn các tế bào non. Do đó, bệnh có thể làm ngứa ngáy khiến heo thường chà xát vào tường và dẫn đến viêm da. Khi mới phát bệnh thì thấy những nốt nhỏ màu đỏ. Các nốt này có vẩy, diện tích các vẩy ngày càng lan rộng và dày lên. Nếu bị nhiễm trùng kế phát thì có hiện tượng viêm da nặng hơn và có mủ. Những mụn mủ nổi lên khắp người. Heo kém ăn, giảm tăng trọng và dễ lây lan cho các heo khác trong đàn.
Cách phân biệt bệnh ghẻ với các bệnh khác ở heo
Thông thường khi thấy trên bề mặt da của heo xuất hiện các nốt đỏ chúng ta mới bắt đầu để ý và nghi ngờ. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh cũng có thể tạo ra các nốt đỏ trên da giống bệnh ghẻ trên heo. Ví dụ như bệnh viêm da, nấm da, bệnh đậu heo, heo bị bỏng nắng và dị ứng với ánh sáng hay các bệnh truyền nhiễm…
Có 2 căn cứ giúp bạn có thể khẳng định chắc chắn heo bị ghẻ. Khi đó trên bề mặt da đã xuất hiện các nốt đỏ. Thứ nhất, những chú heo đó hầu như không khi nào ngồi, nằm yên 1 chỗ. Chúng luôn tỏ ra ngứa ngáy và rất khó chịu, hay có hành động cọ xát mạnh vào thành tường cho đã ngứa. Nhất là vào ban đêm, khi những chú heo khác ngủ thì nó vẫn ngứa ngáy không ngủ được. Thứ hai, nếu để yên không chữa trị, rất nhanh sau đó (khoảng 2-5 ngày sau) cả ô chuồng rồi đến thậm chí cả đàn heo đều có dấu hiệu ngứa ngáy khó chịu. Da chúng nổi mẩn đỏ, đóng vảy như trên.
Có đôi khi bạn sẽ thấy những dấu hiệu như viêm da, viêm tai có mủ hay viêm bộ phận sinh dục. Đó là khi bệnh đã bị biến chứng nặng nề hơn.
Hướng điều trị cho heo đã nhiễm ghẻ
Bệnh ghẻ dù gây thiệt hại kinh tế lớn nhưng lại rất dễ điều trị. Vì mầm bệnh không xâm nhập vào các cơ quan nội tạng bên trong. Các bước điều trị khi phát hiện heo mắc bệnh.
- Cách ly toàn bộ heo bệnh ghẻ ra 1 nơi riêng biệt.
- Dọn dẹp, phun sát trùng định kỳ 2-3 lần/tuần toàn bộ trong và ngoài trại.
- Tắm rửa sạch sẽ, khô ráo cho từng heo bệnh.
- Sử dụng thuốc tiêm có chứa thành phần Ivermectin tiêm cho mỗi con 1 mũi duy nhất. Liều dùng tùy thuộc khuyến cáo của nhà sản xuất. Ivemectin vừa có tác dụng trị ghẻ (ngoại ký sinh trùng), vừa có tác dụng trị nội ký sinh trùng như giun sán.
- Tăng sức đề kháng cho heo. Bổ sung điện giải, vitamin, các nguyên tố vi lượng, các vi sinh vật có lợi để cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột…
Lưu ý
- Ivermectin không ảnh hưởng đến heo nái mang thai.
- Nếu sau khi điều trị mà thấy heo vẫn không khỏi, hãy kiểm tra lại toàn bộ vệ sinh của trang trại. Rất có thể mầm bệnh vẫn còn lưu cữu trong trại. Sau đó có thể dùng các loại thuốc sát trùng đặc hiệu dạng dung dịch phun lên da của toàn bộ heo bệnh 1 lần/ngày, trong 3-4 ngày liền.
- Sau khi phát hiện heo bệnh, tiêm càng sớm càng tốt.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh ghẻ ở heo?
- Dọn dẹp, vệ sinh chuồng nuôi thường xuyên để chuồng luôn khô và ấm.
- Nuôi cách ly heo khỏe với các heo ốm, còi, heo bệnh.
- Phun sát trùng định kỳ 1-2 lần/tuần trong và ngoài trại.
- Định kỳ tiêm phòng theo lịch cho các đối tượng heo như sau:
- Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Thường xuyên bổ sung các chất khoáng, vitamin, men tiêu hóa… nhằm nâng cao sức đề kháng cho toàn đàn.