Trong chăn nuôi gia cầm, các biện pháp thú y được xem là có vai trò quan trọng hàng đầu giúp đạt năng suất và lợi nhuận cho người nông dân. Tuy nhiên, dù đã được phòng trị đầy đủ, một số loại gia cầm vẫn có thể bị chết một cách đột ngột dù vẫn đang khỏe mạnh. Đây là một trong những triệu chứng điển hình ở bệnh đột tử trên gia cầm. Hiện tại, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, đa phần các nhà khoa học vẫn cho rằng các yếu tố gây stress trong chăn nuôi là tác nhân gây ra bệnh.
Suy cho cùng, nguyên nhân trên cũng có phần đúng. Bởi việc xảy ra bệnh đột tử ở gia cầm thường xuất hiện tại các chuồng nuôi gà công nghiệp theo hướng siêu thịt, nhất là các loại gà trống. Mặc dù số gia cầm chết vì căn bệnh này không đáng kể, song một khi đã mắc bệnh, gia cầm sẽ gần như hoàn toàn tử vong.
Nguyên nhân gây đột tử ở gia cầm
Bệnh chết đột tử trên gia cầm do không rõ nguyên nhân ngày nay thường quan sát thấy ở gà nuôi công nghiệp hướng siêu thịt từ 2-8 tuần tuổi và chủ yếu xảy ra ở gà đực. Hiện tượng đặc trưng là gà bỗng nhiên chết nằm ngửa trong trạng thái béo tốt.
Đến nay các nhà khoa học trên thế giới chưa tìm được tiếng nói chung về nguyên nhân gây bệnh. Nhưng đa phần các tác giả đang nghiêng về các yếu tố đột biến di truyền. Họ cho rằng các kết quả nghiên cứu tạo ra các giống gà siêu thịt lớn nhanh. Việc nuôi tập trung mật độ cao và các yếu tố stress là thủ phạm gây ra hiện tượng chết đột tử gà.
Những giống gia cầm nào có thể bị mắc bệnh đột tử?
Gà, vịt, ngan siêu thịt năng suất cao thường là những đối tượng mắc phải căn bệnh kỳ lạ này. Bệnh xảy ra chủ yếu ở gà, vịt siêu thịt nuôi tập trung công nghiệp. Trong đó, giống đực thường bị chết nhiều hơn giống cái. Độ tuổi gia cầm mắc bệnh chết đột tử là từ 2-8 tuần tuổi. Đôi khi thấy ở các lứa tuổi khác. Nhưng ở gà bệnh xảy ra chủ yếu từ 2-4 tuần tuổi.
Triệu chứng của bệnh đột tử ở gia cầm
Bệnh xảy ra hết sức đột ngột. Thông thường người chăn nuôi không quan sát thấy quá trình diễn biến bệnh mà chỉ thấy gia cầm chết khi đi quay trở lại sau 1 vòng xem xét tình trạng đàn gia cầm. Tuy nhiên, các bác sĩ thú y khi quan sát kỹ đã ghi nhận một số biểu hiện không điển hình trước khi chết gồm:
- Gia cầm lờ đờ, chán ăn, xù lông, lười vận động trong khoảng 1-2 giờ. Sau đó chúng bỗng dưng chúng vẫy cánh, nhảy sốc lên rồi nằm ngửa. Cuối cùng, chúng giãy chết trong khoảng 1-2 phút.
- Tỷ lệ bệnh không cao trong ngày. Nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh lại rất cao. Tức là con nào có biểu hiện như thế là hầu như sẽ chết.
- Tỷ lệ chết cho cả thời kỳ từ 2-8 tuần tuổi khoảng 5-10% trong đàn.
- Đặc biệt, khi tiến hành mổ khám, gia cầm không có bất cứ dấu hiệu bệnh lý đặc trưng nào.
Hướng điều trị bệnh đột tử ở gia cầm
Hiện tại, bệnh chưa có hướng điều trị rõ rệt. Nhưng các chuyên gia thú y khuyến cáo nên dùng kháng sinh và thuốc bổ để loại bỏ các yếu tố stress và vi khuẩn có cơ hội gây bệnh thứ phát. Nếu quan sát thấy trong đàn gia cầm, nhất là con đực béo tốt có triệu chứng lờ đờ, chán ăn và chết thì phải dùng ngay thuốc.
Các phương pháp phòng bệnh
- Đảm bảo mật độ nuôi càng thưa càng tốt.
- Thức ăn đủ chất, cân bằng dinh dưỡng.
- Tránh các yếu tố stress, nhất là mỗi khi thay đổi thức ăn, nước uống, khí hậu.
- Chú ý xử lý môi trường chăn nuôi hợp lý, đặc biệt là vấn đề thông thoáng.